Trần Tiễn Khanh (11/2004) |
Trong những năm gần nay có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hâm nóng toàn cầu (global warming) đã thực sự xảy ra và đang gây nhiều ảnh hưởng về khí hậu và tổn thất trầm trọng về nhân mạng và kinh tế không riêng gì ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Trong khi miền Tây Hoa Kỳ đang bị khô hạn trầm trọng và nạn cháy rừng, miền Đông Hoa Kỳ lại bị những trận bão lụt vào mùa hè và bão tuyết mùa đông. Vào hai tháng 9 và10 2004 vừa qua, có ba cơn bão lớn liên tiếp xãy ra ở tiểu bang Florida, gây tổn thất nặng cho nhiều tiều bang dọc bờ biển Đại Tây Dương. Miền Bắc Hoa Kỳ và Gia nã Đại đã bị tê liệt vì băng giá trong những tháng đầu năm 2004, với nhiệt độ xuống thấp chưa từng thấy trong vòng 100 năm qua. Ở Âu châu, trong mùa hè 2003 đã có hơn 20,000 người thiệt mạng vì quá nóng trong nhiều ngày ở Pháp và các nơi khác. Ở Á Châu, trong khi miền nam Trung Quốc và Việt Nam đang bị hạn hán, vùng duyên hải Đài Loan, Đại Hàn và Nhật Bản lại bị tàn phá bởi nhiều cơn bão. Riêng tại Việt Nam, mặc dầu hiện nay đang vào mùa mưa, nhiều nơi đang bị khô hạn trầm trọng vì thiếu mưa. Trong hai năm 2003 và 2004, chỉ có vài ba cơn bão nhỏ đã vào bờ biển nước ta. Vì ít bão nên lượng mưa đã giảm đến 50-60% so với trung bình hàng năm. Mực nước sông Hồng đã xuống mức thấp nhất trong gần 40 năm qua. Nhiều nơi ở miền Trung cũng thiếu mưa, nhất là vùng Tây Nguyên. Tháng 10 thường là tháng có nhiều mưa nhất ở miền Trung. Nhưng năm nay lại rất ít mưa, và đây cũng là điều hiếm khi xảy ra. Ở miền Nam, mực nước sông Cửu Long cũng đã xuống mức thấp chưa từng thấy, làm nước mặn xâm nhập vào nội địa đến 50 km như ở Trà Vinh và Bạc Liêu. Hiện nay có hàng ngàn mẫu ruộng lúa và hoa màu bị khô héo vì nạn khô hạn. Theo thống kê của Cơ quan Bảo vệ môi trường của Liên Hiệp Quốc (United Nations Environmental Programme Finance Initiative), những biến động khí hậu đã gây ra thiệt hại lên đến 60 tỷ Mỹ kim trong năm 2003 và 55 tỷ Mỹ kim trong năm 2002. Cơ Quan Y Tế Thế Giới (World Health Organization) cũng đã ước tính hiện nay có khoảng 160,000 người bị thiệt mạng hàng năm do những biến động thất thường vì thời tiết (bão, lũ lụt, sụt đất, nóng bức, khô hạn…). Những biến động thời tiết kể trên là mối đe dọa nghiêm trọng cho toàn thế giới. Ông David Anderson, Bộ Trưởng Môi Trường Gia Nã Đại, đã tuyên bố vào tháng 2 -2004 rằng những biến động này sẽ tàn hại nhiều hơn cả nạn khủng bố, vì hàng trăm triệu người sẽ phải bỏ nhà ra đi và gây nên những thảm họa khốc liệt. Theo ông Anderson, khủng bố là mối lo ngại hàng đầu hiện nay của nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng về lâu về dài, biến động khí hậu sẽ trở nên quan trọng hơn, vì chúng buộc chúng ta sẽ phải thay đổi để đáp ứng nếu muốn sống còn trên hành tinh này. Trong thời gian gần đây có nhiều khảo cứu khoa học cho biết những biến động khí hậu có liên quan đến sự hâm nóng toàn cầu. Các thán khí và độc tố, như carbon dioxide (CO2) và methane (CH4), phát ra từ các nhà máy đốt than đá hay dầu khí, đã giữ lại phóng xạ làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Xăng nhớt từ các xe cộ cũng là một nguồn quan trọng phát ra các thán khí. Các thán khí này được gọi chung là khí có hiệu ứng nhà kính (greenhouse gases). Truớc thế kỷ 19 (trước khi có kỹ nghệ đốt than đá và dầu hoả), chất CO2 được đo khoảng 280 phần triệu trong không khí (parts per million hoặc ppm). Các khoa học gia đã ước tính nhiệt độ trung bình chỉ tăng lên 0.6 độ Celsius (1 độ Fahrenheit) trong suốt thế kỷ 20 vừa qua. Hiện nay ở đài thiên văn Mauna Loa Observatory, tiểu bang Hawaii, với độ cao 11,141 feet (3396 m), trung bình lượng CO2 đo được là 380 ppm. Theo Ủy Ban Quốc Tế về Biến Động Khí Hậu (International Panel on Climate Change), CO2 sẽ lên đến khoảng từ 650 đến 970 ppm vào năm 2100 nếu không có cắt giảm các thán khí. Do đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên từ 1.4 đến 5.8 độ C (2.7 đến 10.4 độ F) từ năm 1990 đến 2100. Để hiểu được hậu quả của sự tăng nhiệt độ này, chúng ta nên biết là trong thời cổ đại băng tuyết (ice age), nhiệt độ trung bình cũng chỉ lạnh hơn nhiệt độ trung bình ngày nay khoảng 5 độ C (9 độ F) mà thôi! Các khoa học gia hiện nay đang dùng các mô hình điện toán (computer models) để tìm hiểu và tiên đoán các hậu quả của sự hâm nóng toàn cầu. Hậu quả đầu tiên là mức nước biển sẽ tăng vì các tảng băng ở Bắc Cực và Nam Cực sẽ tan. Mới đây một khảo cứu gồm 300 khoa học gia thuộc tám quốc gia trong Hội Đồng Vùng Bắc Cực (Artic Council) đã xác nhận nhiệt độ ở Bắc Cực đã tăng lên từ 2.2 đến 3.9 độ C (4 đến 7 độ F) trong vòng 50 năm qua. Sự hâm nóng này đã giảm lượng tuyết rơi mùa đông, làm tan các núi băng và nhiều nơi đã thấy ít xuất hiện những tảng băng đóng vào mùa hè. Các khoa học gia cũng tiên đoán vùng Bắc Cực sẽ không còn bị đóng băng trong những tháng hè vào cuối thế kỷ này. Vì băng sẽ tan ở Bắc và Nam Cực, mực nước các đại dương có thể tăng đến 0.5 mét (19 inches) trong thế kỷ 21 này. Các quốc gia như Bangladesh và Hoà Lan, và các thành phố như New York, Tokyo và Buenos Aires, sẽ bị đe dọa tràn ngập vì ở thấp hơn mực nước biển. Sự hâm nóng toàn cầu cũng sẽ gây nên những biến động khí hậu trầm trọng tại nhiều nơi trên thế giới. Có nơi sẽ giảm lượng mưa và kéo dài nạn khô hạn, và nơi khác sẽ kéo dài mùa mưa và tăng cường độ các trận bão. Hậu quả chính là giảm thiểu lượng sản xuất thực phẩm, và đe dọa sự tồn vong của nhiều sinh vật cũng như thực vật. Hội Đồng Thế Giới về Nước (World Water Council) đã ước lượng có hơn 1.5 tỷ người bị ảnh hưỡng bởi bão lụt từ 1971 đến 1995, trong số đó có 318.000 người bị thiệt mạng và hơn 81 triệu người đã lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Ngoài ra sự hâm nóng địa cầu cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, vì nhiệt độ cao cũng như sự lan tràn của nhiều bịnh truyền nhiễm. Riêng tại Việt Nam, sự hâm nóng toàn cầu cũng sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên khoảng 2.5 độ C (4.5 độ F) vào năm 2070. Trong vòng 30 năm qua, mực nước biển đã tăng lên 5 cm mỗi năm. Nếu mức nước biển còn tăng thêm, các làng mạc và thành phố thuộc vùng duyên hải sẽ bị đe dọa tràn ngập. Sự hâm nóng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến gió mùa và gây nên những biến động khí hậu như thay đổi mùa mưa và kéo dài nạn khô hạn. Nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng, nhất là ở hai vựa lúa của nước ta (đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long). Riêng ở miền Nam, ngoài hậu quả của sự hâm nóng, lượng sản xuất lúa gạo cũng như tôm cá sẽ bị ảnh hưởng bởi các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Vân Nam. Hiện nay chỉ có hai đập hoạt động nên ảnh hưởng xấu của các đập này cũng tương đối đang còn hạn chế. Như chúng tôi đã trình bài trong bài “Cái Chết Của Một Dòng Sông”, Trung Quốc sẽ xây thêm trong vài thập niên tới nhiều đập với hồ chứa nước khổng lồ. Lượng nước sông Cửu Long sẽ cạn kiệt vào mùa khô, vì các đập này sẽ giữ nước để chạy thủy điện. Đây là hiểm họa đe dọa sự sống còn của hàng triệu đồng bào ở đồng bằng sông Cửu Long và của cả dòng sông! Giống như ảnh hưởng của giòng nước ấm El Nino, sự hâm nóng toàn cầu có thể làm giảm đi số cơn bão, nhưng vì lượng hơi nước tăng lên sẽ làm những trận bão lụt trỡ nên mãnh liệt hơn. Các trận bão sẽ tàn phá các vùng duyên hải, nhất là ở miền Trung. Lượng mưa có thể tăng 20% vào mùa mưa nhưng lưu lượng các sông ngòi sẽ giảm đến 40% vào mùa khô. Sự hâm nóng toàn cầu đang xảy ra và sẽ gây nhiều thiệt hại trầm trọng trên khắp toàn thế giới. Muốn giảm thiểu các hậu quả nghiêm trọng này chỉ có một cách duy nhất là cắt giảm các thán khí phát ra từ việc dùng than đá và dầu hoả. Các nước đã kỹ nghệ hoá như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật là những nước phát thán khí nhiều nhất. Nhất là Hoa Kỳ đã phát ra hàng năm 25% tổng số CO2 trên thế giới mặc dầu chỉ chiếm có 4% dân số thế giới. Lượng thán khí của Hoa Kỳ lớn hơn tổng số lượng của ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Trước đây Hoa Kỳ và các nước tiên tiến khác đã đồng ý cắt giảm thán khí qua Hiệp Định Kyoto vào năm 1997. Nhưng hiện nay chính quyền của Tổng Thống Bush đã bãi bỏ hiệp định Kyoto. Chính phủ Bush đã viện cớ là sẽ ảnh hưỡng xấu đến kinh tế Hoa Kỳ và còn quá nhiều nghi vấn về các hậu quả của sự hâm nóng toàn cầu. Mặc dầu có nhiều nhà lãnh đạo và khoa học gia kêu gọi nhưng chính phủ Bush vẫn cương quyết giữ lập trường. Thái độ này đã làm công phẫn không những đa số người dân Mỹ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới. Thật ra Hiệp Định Kyoto chỉ kêu gọi Hoa Kỳ cắt giảm 7% số thán khí phát ra năm 1990 vào năm 2012. Đây ra một mức cắt giảm tối thiểu, dể thực hiện và ít tốn kém. Chỉ cần giảm lượng xăng tiêu thụ bởi xe cộ bằng cách tăng số dặm đi cho mỗi gallon xăng (gas mileage), nhất là các xe lớn dùng nhiều xăng như SUV, cũng đủ mức cắt giảm của Hiệp Định Kyoto. Hàng năm xe cộ dùng 70% số dầu hoả tiêu thụ và phát ra 33% tổng số CO2 ở Hoa Kỳ. Hiện nay vì giá dầu tăng cao, số xe dùng nhiều xăng sẽ giảm và các loại xe không phát thán khí như xe chạy bằng điện hay hydrogen sẽ có cơ hội phát triễn. Các nhà máy cũng có thể thay thế dầu hoả bằng các nhiên liệu khác như gió và mặt trời. Vì chính phủ liên bang không làm gì để cắt giảm CO2, hiện nay có nhiều tiểu bang đang có chương trình chống hâm nóng toàn cầu. Tiểu bang California đòi hỏi 20% tổng số điện lực từ gió hay mặt trời cũng như đã thông qua đạo luật chống CO2 được áp dụng cho xe cộ kể từ năm 2009. Theo một khảo cứu của Đại học MIT, Hoa Kỳ có thể giảm hơn 20% số lượng CO2 vào năm 2015 với các kỹ thuật sẳn có hiện nay. Hiệp Định Kyoto cũng kêu gọi các nước đang trên đà phát triễn như Trung Quốc và Việt Nam giảm thiểu lượng phát thán khí. Sau Hoa Kỳ, Trung Quốc là nước phát xuất thán khí nhiều nhất. Than đá là nguồn nhiên liệu chính của Trung Quốc, và rất nhiều nhà máy đã không có biện pháp giảm thiểu thán khí CO2 và các độc tố. Hiện nay ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn. Một khảo cứu của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) đã ước tính ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại tương đương với 7% tổng sản lượng (GDP) của Trung Quốc riêng năm 1995. Trung Quốc có thể giảm lượng thán khí bằng cách thay thế các nhà máy lổi thời, thay than đá bằng nhiên liệu ít CO2 hơn như dầu khí, và dùng các biện pháp cắt giảm CO2. Trung Quốc cũng cần xem xét kỷ càng các hậu quả môi truờng của các chương trình phát triển kinh tế. Việt Nam là nước không có nhiều nhà máy phát xuất thán khí. Nhưng với đà tiến triển hiện nay, lượng thán khí sẽ tăng vì các nhà máy sẽ dùng than đá và dầu khí nhiều hơn. Lượng thán khí cũng sẽ tăng theo số xe cộ càng ngày càng nhiều ở các thành phố lớn. Hà Nội và Saigon hiện đang chết nghẹt vì ô nhiễm môi trường. Ngoài ra nạn phá rừng cũng tăng lượng thán khí. Các biện pháp chống hạn về mùa khô cũng như chống bão lụt về mùa lũ cần được nghiên cứu và áp dụng một cách nghiêm chỉnh. Các chương trình phát triển kinh tế cần được dựa trên căn bản phát triển bền vững (sustainable development) và cần đẩy mạnh các biện pháp chống phát xuất thán khí hầu bảo vệ môi trường và cuộc sống ấm no cho người dân. Thời gian không còn nhiều. Ảnh hưởng tai hại của sự hâm nóng toàn cầu xảy ra khắp cả nước. Để giảm thiểu các tổn thất cần phải có dự báo thời tiết chính xác và kịp thời. Từ tháng 7 năm 2001, chúng tôi đã thành lập một trang Web tên http://vnbaolut.com để cung cấp miễn phí các dự báo thời tiết qua mạng lưới Internet. Hàng ngày trang Web VNBAOLUT.COM cho biết thời tiết trước 48 tiếng đồng hồ ở 60 tỉnh thành từ Lạng Sơn đến Cà Mâu. Các dự báo được cập nhật bốn lần trong ngày (1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ) và có thể tự động gởi qua e-mail. Trang tiếng Anh của VNBAOLUT.COM còn có dự báo thời tiết cho các thành phố lớn ở Kampuchea và Lào. Một mô hình tối tân và chính xác nhất hiện nay, mô hình MM5, được dùng để làm các dự báo. Ngoài ra trang Web VNBAOLUT.COM còn cung cấp ảnh vệ tinh và tin tức thời tiết mới nhất, kể cả các dự báo El Nino và lụt Sông Cửu Long. Tất cả các dịch vụ nói trên đều miển phí. Công việc làm các dự báo hoàn toàn thiện nguyện và vô vị lợi. Chúng tôi chỉ mong được giúp đở phần nào các đồng bào ở những vùng thường hay có thiên tai.
|
||
![]() |
![]() |