Phóng Sự Bão Lụt 2007
Bão Lekima (10/2007)

 


 Home  
 
 

Bão “đặc biệt” Lekima: Sau một tuần nhìn lại

19:48:00, 04/10/2007

Đặng Ngọc Khoa

Ảnh vệ tinh bão Lekima, Krosa và vùng nhiễu động Fair khi chưa xuống cấp Poor - Ảnh: JTWC

(TNO) “Đặc biệt” là chữ của ông Bùi Minh Tăng – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, dùng để chỉ cơn bão số 5 (Lekima) do nó đã đổi hướng đến 9 lần, thay đổi cường độ ít nhất 4 lần.

Vì sao đặc biệt?

Cơn bão này hình thành từ một vùng áp thấp trên khu vực đảo Luzong (Philippines) vào trưa 29.9, di chuyển theo hướng tây tây nam, đến trưa 30.9 thì lệch dần về phía tây, nhưng đến đêm 30 thì lại chuyển sang hướng bắc. Trưa 1.10, bão lại đổi hướng di chuyển sang tây bắc, vượt qua quần đảo Hoàng Sa, rồi từ đây lại chuyển theo hướng bắc tây bắc, sau sang tây tây bắc, đi vào vùng biển phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Tại đây, bão đổi hướng di chuyển sang hướng tây và đi vào nam vịnh Bắc Bộ.

 

Một ngôi nhà tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sập đổ - Ảnh: Reuters

 

Sáng sớm 3.10, bão Lekima một lần nữa đổi hướng di chuyển sang tây tây nam trong thời gian ngắn (chỉ 6 giờ) và lại đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc đi vào vùng bờ biển Hà Tĩnh – Quảng Bình và mạnh lên cấp 12, giật trên cấp 12. Đêm 3.10, sau khi đi vào địa phận giữa hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh, bão đã di chuyển về phía tây qua Lào vào khu vực phía Đông Bắc Thái Lan. Hồi 7 giờ ngày 4.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ bắc 103,9 độ đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 75km một giờ), giật trên cấp 8. Sau khi di chuyển về phía tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, bão đi sâu vào đất liền thuộc lãnh thổ Thái Lan và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Thay đổi dự báo thế nào?

Các mô hình dự báo bão được cập nhật sau mỗi 6 tiếng đồng hồ, nên từ 29.9 đến 4.10 các địa điểm bão hướng vào cũng thay đổi theo: Đà Nẵng, Hải Nam, Quảng Ninh, Vinh, Đồng Hới, Hà Tĩnh. Theo thông lệ, sai số cho phép trong dự báo tăng dần theo thời gian: lệch 150km/24h, 250km/48h và 350km/72h. Mặt khác, bão biển với sức công phá như mấy quả bom nguyên tử và luôn quay tít trên không nên cứ mỗi lúc một đường đi của nó cũng dịch chuyển nhanh theo diễn tiến của các trường gió vùng gần tâm bão.

Theo TS Khí tượng và Môi trường Trần Tiễn Khanh (Mỹ) thông thường bão đi xuống tối đa ở phía nam là Quy Nhơn (ngoại trừ những năm El Nino hoạt động mạnh như năm 2006), phần lớn còn lại bão đổ bộ từ trung Trung bộ ra bắc Trung bộ. Thực tế cho thấy đây là nhận định đúng. Blog của Digtal- Typhoon (Nhật) ghi nhận về bão Lekima theo  giờ Nhật bản (JST).

 

Bản đồ 15/17 bão đã hoạt động tại tây bắc Thái Bình Dương. VN dự báo đón 10 bão, đã có 5 bão, còn 5 bão nữa - Ảnh: Digital- Typhoon

 

Bão Lekima hình thành trên biển Đông VN. Sức gió 30 hải lý/h, tầm hoạt động 850km, là bão vòi rồng rất lớn (a very large typhoon), có nhiều tầng gió mạnh ở trung tâm. Dự báo bão đi lên phía bắc Trung quốc. Vì vậy, cần chú ý diễn tiến của bão.

Các mô hình mây bão khi xuất hiện không cân bằng nhưng chúng dần trở lại nguyên trạng, rất lớn tại vùng trung tâm và bắt đầu mạnh lên dữ dội. Dự báo bão sẽ đổi sang hướng tây bởi vì không theo hướng bắc như  mong đợi. Hầu hết các tầng gió đang đi về phía VN, khác một ít với dự báo ban đầu của JMA (Nhật).

 

Mưa như trút nước ở miền Trung - Ảnh: Đ.N.K


 

 

Bão đổ bộ từ miền Trung đến miền Bắc VN. Để đối phó, việc sơ tán 500.000 người dân đã được tiến hành.

Mưa kỷ lục

Sau một tuần hoạt động, tính đến 4.10, bão Lekima đã làm thiệt mạng ít nhất 5 người ở Philippines, 3 người ở VN, chưa kể 1 người được coi là mất tích. Đồng thời là những thiệt hại vật chất vô cùng lớn. Tại Hải Nam trên 100.000 người và 20.000 tàu thuyền sơ tán khỏi đảo.

Tại VN, trên 400.000 người dân và hàng vạn tàu thuyền phải di dời khẩn cấp. Tất cả chuyến bay nội địa và quốc tế đi và đến Vinh, Huế, Đà Nẵng trong ngày 3.10 bị hủy. Nhiều chuyến tàu SE trong hai ngày 3 và 4.10 bị hoãn đến 7 tiếng khi đi qua địa phận huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Nhiều tour khách quốc tế phải “khóc ròng” do phải án binh bất động trước gió mưa. Nhiều đê, đập bị vỡ, ngập lụt lan tràn.

Trong ngày 3 rạng 4.10, dù tầm hoạt động của bão từ 1.000km đã thu hẹp lại 795km nhưng toàn bộ miền Trung vẫn chìm trong làn mây mưa trắng xóa. Tại Huế, nước sông Hương dâng cao và nguy cơ ngập lụt khiến người dân đổ xổ đi mua và tích trữ thực phẩm. Ngày 4.10, khi bão ra khỏi địa phận VN, tiến sang Lào, xuống cấp áp thấp nhiệt đới tại đông bắc Thái Lan đã gây mưa lụt nhiều nơi. Trưa 3.10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn VN (NCHMF), cho biết lượng mưa trên toàn vùng đạt kỷ lục 550mm, lũ các sông tại miền Trung dâng cao.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực ngoài khơi Trung trung bộ và vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Biển động dữ dội. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 đến 5 mét. Nhiều hiểm họa xảy ra trong và sau bão do gió giật, lũ quét, lở núi… Bản đồ dự báo mưa của TSR (Anh) hôm 3.10 đã được tô màu đỏ chói, biểu thị lượng mưa từ 330mm đến trên 500mm, phù hợp với dự báo của NCHMF.

Sẽ thêm bão mới?

Tình trạng mưa bão thật đáng quan ngại. Hồi 10h ngày 3.10, nhóm dự báo Alpha của JTWC (Hoa Kỳ) đưa ra cảnh báo mới nhất về một vùng nhiễu động tại 21,2 độ bắc 147,2 độ đông, ngoài khơi PhilippinesẢnh vệ tinh cho thấy, vùng này kế cận bão Krosa, là bão vòi rồng (typhoon) đang hướng thẳng đến Đài Loan. Theo JTWC, vùng Fair này đủ khả năng mạnh lên thành bão trong 24h tới.

 

Các mô hình dự báo lúc 13h 30.9 về hướng đi của bão Lekima - Ảnh: Typhoon2000

 

Đến trưa 4.10, JTWC tiếp tục đưa tin vùng Fair này sẽ xuống cấp Poor (chưa đủ khả năng mạnh lên thành bão) khi trung tâm vùng nhiễu động tiến đến 24,0 độ bắc 148,3 độ đông. Đây có thể là tin vui nhưng trong thực tế, từng có những vùng Poor tăng cấp, thay vì xuống cấp. Mặt khác, bão ở tây bắc Thái Bình Dương đang vào cao điểm. Hết vùng Poor này sẽ xuất hiện vùng Fair hoặc Good (thừa khả năng thành bão) như bão Krosa đang trên đường tiến đến Đài Loan với tầm hoạt động bao phủ từ Hồng Kông đến Thượng Hải (TQ).

Theo TS Khí tượng và Môi trường Trần Tiễn Khanh (Mỹ), bão sẽ nối tiếp nhau thậm chí có khi chồng lên nhau, mưa lụt sẽ hoành hành trong môi trường La Nina đã bắt đầu hoạt động. Theo ông Bùi Minh Tăng, năm nay VN sẽ đón 10 bão, nay mới có 5 bão. Vậy vẫn còn 5 bão.

Đ.N.K

 

 

Thứ Năm, 04/10/2007, 16:55 (GMT+7)
 

Quảng Bình: sau bão, lũ ngập đồng

TTO - Chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ, từ 10g-20g ngày 3-10, cơn bão số 5 đã tràn qua các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình). Hàng ngàn người dân đã phải làm một cuộc sơ tán tránh bão.

 

Ban chỉ đạo PCLB TƯ dự kiến đề nghị Chính phủ hỗ trợ ban đầu 20 tỷ đồng cho  các tỉnh bị bão gây thiệt hại nặng. Trong đó, Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi tỉnh 7 tỷ đồng, Nghệ An , Quảng Trị  mỗi tỉnh 3 tỷ đồng.

Ứng trước kế hoạch năm 2008 trong chương trình đê biển 50 tỷ đồng cho Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó Nghệ An 20 tỷ  cho đê Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu), đê Kim Hải Hùng (huyện Diễn Châu). Hà Tĩnh 30 tỷ đồng  gồm đê biển Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), đê Kỳ Hà, Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh)

T.Phùng

Theo thống kê sơ bộ từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, toàn tỉnh đã có 33 người bị thương, trong đó nhiều nhất là ở huyện Quảng Trạch: 20 người, Minh Hóa 7 người và Tuyên Hóa 6 người. 768 ngôi nhà bị sập, trong đó huyện Minh Hóa bị nặng nề nhất với 738 nhà, Quảng Trạch 20 nhà. 28.400 nhà bị tốc mái, trong đó nặng nhất là ở Quảng Trạch: 21.500 nhà, Tuyên Hóa 4.200 nhà và Minh Hóa 2.700 nhà. 105 trụ sở UBND, trạm y tế, trường học bị hư hỏng nặng.16 tàu cá bị chìm…  

Hơn 2.000ha cây vụ đông như ngô, khoai lang ở các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa người dân trồng chống đói sau trận lũ lịch sử ngày 7-8 vừa qua đã bị ngã đổ hoàn toàn do bão và bị ngập lụt. 50.000 cây lâm nghiệp cũng bị gió quật gãy ngổn ngang. Tại các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Minh Hóa nước lũ lại về ngập đồng.

Chùm ảnh Quảng Bình sau bão:

 

Cây đổ nằm ngang mái nhà của mẹ liệt sĩ ở xã Quảng Xuân Chợ xã Cảnh Dương tan hoang sau bão
 

 

Cột điện gãy đổ trên quốc lộ 1A Lũ lại về ở huyện Tuyên Hóa
 

 

Một ngôi nhà bị bay hết mái ở xã Quảng Đông Nhà và cây đổ ở xã Quảng Thọ
 

LAM GIANG

................................................

Hà Tĩnh: huy động toàn lực khắc phục sự cố thông tin liên lạc

TTO - Theo ông Nguyễn Huy Đại, giám đốc Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh, cơn bão quét đêm 3-10 đã làm hàng ngàn cột treo cáp bị gãy đổ. Gió bão làm bật gốc nhiều cây cối khiến nhiều kilômet cáp quang treo và cáp đồng, hệ thống bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, nhà trạm bị thiệt hại nặng nề, ước tính hơn 10 tỉ đồng.

Ngay sáng 4-10, ngành bưu điện tỉnh đã huy động 800 công nhân từ các bưu cục trong 11 huyện, thị xã để khắc phục nhanh nhất mọi sự cố đang làm ảnh hưởng đến hệ thống thông tin liên lạc từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã.

Trong đó, đặc biệt chú trọng bảy trọng điểm gồm: tuyến viba Mobiphone Hà Tĩnh trên điểm cao 337 (chảo ăngten bị xoay làm mất liên lạc với các trạm BTS Vinaphone Hương Khê, Phúc Trạch); tuyến dẫn viba Kỳ Anh trên điểm cao 63 (làm mất liên lạc 900 thuê bao); tổng đài cố định tại khu vực xã Kỳ Đồng (làm mất liên lạc với trạm BTS Vinaphone Vũng Áng); tổng đài Kỳ Lâm; trạm BTS Vinaphone Hương Sơn; tuyến cáp quang Kỳ Anh - Kỳ Lâm và tuyến cáp quang ở huyện Cẩm Xuyên.

Theo ông Đại, ngoài 800 công nhân, bưu điện tỉnh đã thuê thêm một số nhân công để kịp thời khắc phục toàn bộ sự cố, đảm bảo tối 4-10 mạng liên lạc của toàn tỉnh được nối lại. Lúc 14g đã hàn xong tuyến cáp quang Kỳ Anh - Kỳ Lâm. Khôi phục thông tin liên lạc cho tổng đài cố định tại trạm BTS Vina, Mobi Kỳ Lâm. Hiện đang phối hợp với VMS khôi phục trạm BTS Vinaphone Đức Đồng.

VŨ TOÀN

Chùm ảnh: Kỳ Anh sau bão

 

Một góc làng xã Kỳ Hà tan hoang sau bão Cây đổ ngổn ngang
 
 

 

Trường THCS Kỳ Hà - Kỳ Anh bị sập, tốc mái.
 

 

Cột điện gãy đổ trên đường vào xã Kỳ Hải.
 
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm hỏi các nạn nhân bị thương ở bệnh viện Kỳ Anh.
 

Ảnh: VIỆT DŨNG

 
 
 
 
Thứ Tư, 03/10/2007, 14:50 GMT+7  

 

Miền Trung oằn mình chống bão
Cập nhật cách đây 3 giờ 37 phút
Quang Duẩn - Tổ PVMT
Quảng Bình mênh mông biển nước - ảnh: K.G

Ít nhất 5 người chết và mất tích, 1 người bị thương l Vùng biển trên toàn quốc đã xảy ra ít nhất 23 vụ tai nạn, làm 49 tàu thuyền và phương tiện vận tải với tổng cộng 93 người bị nạn l Hàng trăm căn nhà bị sập, tốc mái; nhiều đoạn đường giao thông bị sạt lở và tắc nghẽn

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rút ngắn lịch trình chuyến thăm Pháp để về nước chỉ đạo chống bão 
* Đã có ít nhất 5 người chết và mất tích, 1 người bị thương  
* Hôm nay bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
 

Bão số 5 đổ bộ với sức gió giật trên cấp 12

Tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư diễn ra lúc 20 giờ tối qua 3.10, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, khoảng 19 giờ cùng ngày, bão số 5 đã đổ bộ vào khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, tiếp tục di chuyển theo hướng tây đi sâu vào đất liền với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12.

Theo ông Tăng, bão số 5 là một cơn bão rất đặc biệt, cả về hướng di chuyển và cường độ. Bão số 5 nhiều lần thay đổi hướng di chuyển và đặc biệt đây là cơn bão cực kỳ hiếm gặp khi mà bão đã vào gần bờ lại mạnh thêm 1 cấp, trên ảnh vệ tinh có thể nhìn thấy rõ mắt bão. 

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, lực lượng hữu trách đã kịp thời di dời 79.650 người dân tại các vùng xung yếu thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa vào nơi an toàn và triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống khác. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, tính đến 19 giờ tối qua, trên các vùng biển trên toàn quốc đã xảy ra ít nhất 23 vụ tai nạn, làm 49 tàu thuyền và phương tiện vận tải với tổng cộng 93 người bị nạn; tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã có 3 căn nhà bị sập, 116 căn nhà và phòng học bị tốc mái, nhiều đoạn đường giao thông liên tỉnh, liên xã bị sạt lở và tắc nghẽn do cơn bão số 5 và gió mùa tây nam hoạt động mạnh gây ra. Trong đó, 1 người tại Cà Mau bị mất tích do ảnh hưởng của gió tây nam, 1 người tại Quảng Bình bị thương và 1 người bị mất tích tại vùng biển H.Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) do bão số 5 gây ra.

Nghiêm trọng nhất, tại khu vực neo đậu tránh trú bão xã Thanh Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình) sóng gió cấp 10, cấp 11 đã làm chìm nhiều tàu cá, trong đó có 3 chiếc bị đánh lên bờ vỡ hỏng hoàn toàn, có nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại về người. Đến 23 giờ 30 tối qua, có thông tin cho biết tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã có thêm 2 người chết nhưng nguồn tin này chưa được xác nhận chính thức...

 


Bản đồ dự báo đường đi của bão số 5 (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư)

 

 

Di tản, vỡ đê, người chết…

Từ 18 giờ chiều qua, toàn TP Hà Tĩnh đã mất điện, thông tin liên lạc bắt đầu gián đoạn. Đến 21 giờ, gió đã giật đến cấp 11, 12, cây đổ ngổn ngang, người dân không thể ra khỏi nhà. Khu vực Kỳ Anh, Cẩm Xuyên... mưa rất to kèm theo gió mạnh. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT) Cao Đức Phát đã có mặt tại Hà Tĩnh trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Di tản dân khẩn cấp

Tính đến 12 giờ trưa qua, toàn tỉnh Thanh Hóa đã phải sơ tán hơn 6.000 dân sát mép biển vào sâu trong đất liền. Đến 20 giờ tối qua, 11.979 hộ dân (45.279 người) các xã ven biển của các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò của Nghệ An cũng đã được sơ tán đến nơi an toàn. Tại Quảng Bình, lúc 16 giờ, hầu hết các xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy đều bị ngập, có khu dân cư ngập hơn 1m, nước sông Kiến Giang dâng rất nhanh, đường từ trung tâm huyện lên các xã phía tây như Trường Thủy, Kim Thủy theo bờ nam sông Kiến Giang đã bị chia cắt tại vị trí xã Mỹ Thủy, Liên Thủy.

Nhiều tuyến đê tại Hà Tĩnh bị vỡ  

Chiều tối qua, bão đã hoành hành với gió rất mạnh, mưa lớn và triều cường nên một số tuyến đê sông, đê biển đã bị sạt lở và nước cuốn trôi. Các tuyến đê biển Kỳ Hà - Kỳ Anh, đê cửa sông Mai Phụ - Lộc Hà, Thạch Mỹ - Thạch Hà đã bị sạt lở nhiều đoạn. Từ 18 giờ, toàn TP Hà Tĩnh đã bị mất điện. Điện thoại di động không gọi được, điện thoại bàn trở nên chập chờn. Đến 20 giờ, ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên mưa rất to kèm theo gió mạnh, người dân không thể ra đường...

Lụt tràn Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế 

Nước ở các sông Thạch Hãn, Hiền Lương, Ô Lâu dâng cao làm nhiều vùng như Hải Lăng, Triệu Phong, Đông Hà, Vĩnh Linh ngập lụt. Gió mạnh đã làm 10 nhà dân và trụ sở cơ quan bị tốc mái, cột ăng-ten của đồn biên phòng đóng trên đảo bị gãy đổ. Trên đất liền lốc xoáy và gió mạnh đã làm hàng loạt cây cao su bị gãy đổ, 20 nhà dân tốc mái, 10 tàu thuyền bị hư hỏng và bị vỡ. 

Nước lũ đã làm ngập hơn 30 phường, xã, các tuyến đường tỉnh lộ qua địa phận hai huyện Quảng Điền, Phong Điền và nhiều tuyến đường nội thị của TP Huế. Tuyến tỉnh lộ 14B đi huyện miền núi Nam Đông bị sạt lở hơn 2.000m3, làm tắc đường từ 14 giờ ngày 2.10 đến chiều qua mới thông tuyến. 

Thông tin đầu tiên về  tử vong  

Tin từ UBND phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cho biết, trong khi giúp một hộ dân lân cận chằng néo nhà cửa phòng chống bão, anh Đặng Hùng, 37 tuổi, ở tổ 32, Đồng Nò, phường Hòa Xuân đã trượt thang, ngã xuống đất tử vong tại chỗ. Tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã có một người thiệt mạng do lũ. Nạn nhân là Nguyễn Xuân Tách, sinh năm 1952, ở thôn Tân Hòa, xã Đại Lãnh. Lúc 8 giờ sáng, khi ông Tách leo lên ghe tát nước ngoài sông Đại Lãnh đã bất ngờ bị lũ mạnh lật ghe, thiệt mạng, đến cuối ngày hôm qua vẫn chưa tìm thấy xác. Lúc 8 giờ ngày 3.10, tại xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm làm chết 1 học sinh trong lúc tham gia cứu nạn tàu thuyền. Đó là em Nguyễn Thanh Đấu, 13 tuổi, học sinh trường THCS xã Nghĩa An... 

Tổ PVMT

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt ngắn lịch trình chuyến thăm Pháp để về nước chỉ đạo phòng chống bão

Ngày 3.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Paris, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Thủ tướng Francois Fillon. Thủ tướng đã quyết định hủy chương trình thăm thành phố Toulouse, cắt ngắn lịch trình chuyến thăm Cộng hòa Pháp để về nước chỉ đạo phòng chống cơn bão số 5 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền và tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sự cố sập cầu Cần Thơ.

(TTXVN)

T.Ư Đoàn chỉ đạo thanh niên tham gia phòng chống bão 

Sáng qua, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Lê Mạnh Hùng đã ký công văn khẩn chỉ đạo tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc, các báo của Đoàn khẩn trương triển khai thực hiện tốt phòng chống bão; tích cực chủ động tham gia tổ chức lực lượng, phương tiện đối phó với bão; giúp người dân hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra...  

Võ Ba

Thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Quân khu 4

Hôm qua 3.10, Bộ Quốc phòng đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Quân khu 4 (QK) do trung tướng, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Nguyễn Đức Soát chỉ huy để chủ động giúp dân đối phó với bão số 5. 

Tấn Tú 

Hủy nhiều chuyến bay 

Tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều qua 3.10, đã có ít nhất 7 chuyến bay từ TP.HCM đến các địa phương đang bị ảnh hưởng của bão số 5 (Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng) bị hủy. Cụ thể, Vietnam Airlines hủy 4 chuyến: VN 254 (đi Huế), VN 326 và VN 328 (đi Đà Nẵng), VN 282 (đi Hải Phòng); Pacific Airlines hủy 3 chuyến vào cuối giờ chiều (2 chuyến đi Hà Nội, 1 chuyến đi Đà Nẵng).

M.Đ - Ngọc Hậu

 

Hôm nay, bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Bản tin phát lúc 21 giờ 30 tối qua của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, khoảng 18 giờ 30 tối cùng ngày, bão số 5 đã đi vào đất liền thuộc địa phận các tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh. Hồi 19 giờ, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,9 độ vĩ bắc; 106,4 độ kinh đông, trên đất liền hai tỉnh kể trên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày hôm nay 4.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới sẽ nằm trên vùng biên giới Lào - Thái Lan. 

Quang Duẩn

 

Quang Duẩn

 


Thứ Tư, 03/10/2007, 15:24 (GMT+7)
 

Bão suy yếu thành áp thấp vào rạng sáng 4-10

* Đã di dời được 79.650 người dân
* Nhiều nơi bị ngập nặng
* Quảng Ngãi: Một học sinh tử nạn khi cứu hộ tàu mắc cạn

 

Bản đồ dự báo bão phát lúc 19g ngày 3-10 của TT dự báo khí tượng thủy văn T.Ư
 

TTO - Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, cho biết từ lúc 18g30 đến 19g ngày 3-10 tâm bão đã bắt đầu đổ bộ vào khu vực ranh giới Hà Tĩnh- Quảng Bình (đèo Ngang). Trước khi vào bờ bão đã mạnh lên một cấp thành cấp 12. 

Khi bão đổ bộ vào tại Kỳ Anh có gió cấp 11, giật cuối cấp 13. Theo dự báo đến nửa đêm khi chuyển sang hướng gió Đông Nam, gió bão có thể giật cấp 14, trên cấp 14. Cho đến nay, công tác di dời đã di dời được 79.650 dân đến vùng trú bão an toàn.

Theo tường thuật của phóng viên Tuổi Trẻ đang có mặt tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, từ 18g chiều nay bão hoành hành dữ dội tại huyện này. Thông tin ban đầu, rất nhiều cây cối bị ngã đổ, cửa kính rơi vỡ. Bão cũng gây mất điện và làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc. 

Tại Văn phòng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện, mái ngói cũng bị rơi, trần nhựa bị sập. Hiện chưa có thông tin thiệt hại về người, cũng chưa có thông tin về lũ quét, sạt lở đê.

Còn ở Quảng Bình, mưa lớn trên toàn tỉnh. Hệ thống điện, điện thoại bị cắt từ chiều. Vào lúc 18g50 ngày 3-10 tại khu neo đậu tránh bão của xã Thanh Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) sóng gió cấp 10, 11 đã làm chìm nhiều tàu cá, trong đó 3 chiếc bị sóng đánh lên bờ gây vỡ hỏng hoàn toàn.

Tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo PCLB TƯ vào 20g, Đại tá Phan Văn Quang cho biết tâm bão số 5 đã đổ bổ vào đất liền Hà Tĩnh - Quảng Bình và gây thiệt hại ban đầu. Đến 19g ngày 3-10 đã xảy ra 23 vụ /93 người/30 tàu cá và 2 phương tiện vận tải bị nạn do ảnh hưởng của bão số 5 và gió mùa Tây Nam.

Các vụ tai nạn trên làm mất tích 2 người (một ở Thái Bình, 1 người ở Cà Mau), bị thương 1 người (Quảng Bình), chìm và hư hỏng nhiều tàu thuyền, tốc mái hàng trăm nóc nhà.

Cụ thể, vào 16g tại bãi biển xã Đông Minh- Tiền Hải có 1 ngư dân từ chòi canh ngao vào bờ bị sóng lớn đánh lật xuồng mất tích, chưa tìm được.

Tại Thanh Hóa, lúc 18g55 ở khu vực Cửa Hới có 4 tàu cá của ngư dân Quảng Tiến bị sóng đánh mắc cạn. Biên phòng Thanh Hoá tổ chức 2 hải đội ra kéo vào bờ an toàn.

Tại Nghệ An lúc 15g, còn 19 tàu thuyền của ngư dân xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu vào tránh bão do vướng cầu lạch Cờn không qua được, phải nằm ngoài có khả năng bị sóng đánh chìm. Lúc 15g có 3 tàu cá/ 10 ngư dân Quảng Ngãi trong quá trình tiến vào bến Lam Giang (thị xã Cửa Lò) để tránh bão đã bị chết máy. Biên phòng cùng lực lượng tại chỗ đã kéo vào bờ an toàn.

Tại Quảng Trị trong hai ngày 2 và 3 -10 mưa to gió lớn nhiều khu vực  làm tốc mái 13 nhà, kè chắn sóng tại âu đảo Cồn Cỏ bị sóng đánh vỡ 10m. Đường đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nhiều nơi xe không đi được, nhiều đường liên thôn bị sạt lở ngập nước không đi lại được.

Tại Thừa Thiên - Huế, thị trấn Lăng Cô sập 2 nhà, tốc mái 91 nhà và 3 phòng học, ngập lụt 85 hộ. Huyện Phú Lộc có 1 nhà sập, tốc mái 2 phòng học, trôi 9 xuồng, ngập gần 100ha ao nuôi trông thuỷ sản.

Lúc 12g, đài trực canh tìm kiếm cứu nạn của Biên phòng Quảng Bình nhận được thông tin tại khu vực neo đậu thuộc đảo Hòn La có 3 tàu hàng loại 700 tấn và 8 tàu các của ngư dân Hà Tĩnh. Trong đó 2 tàu cá (HT90126 và HT 90127 gặp nguy hiểm vì gió bão mạnh, nguy hiểm đến tính mạng 12 ngư dân. Thuyền trưởng đề nghị đưa vào bờ. Tuy nhiên do sóng to, gió lớn không thể cứu hộ được.

Tại địa bàn đồn Biên phòng 184 (Ròn- Quảng Bình) gió lớn làm tốc mái 7 nhà dân, làm bị thương một công nhân của ban quản lý cảng Hòn La.

Rạng sáng mai, bão sẽ tiến sát biên giới Việt - Lào và suy yếu thành áp thấp.

TUẤN PHÙNG - ĐỨC BÌNH

Vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12

TTO - Theo bản tin phát lúc 21g của TT dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đến 19g tối 3-10 bão số 5 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); cấp 6, giật cấp 7 ở thành phố Đồng Hới; cấp 11, giật cấp 13 ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh); cấp 8, giật trên cấp 11 ở Hòn Ngư (Nghệ An), …

Khoảng 18g30, bão số 5 đã đi vào đất liền thuộc địa phận các tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh. Hồi 19 giờ, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên đất liền hai tỉnh trên.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133km một giờ), giật trên cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19g ngày 4-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Lào - Thái Lan.

Do ảnh hưởng của bão, vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động mạnh, sau gió yếu dần. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 7, cấp 8, riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12, sau gió yếu dần.

Các tỉnh Bắc bộ, Bắc và Trung trung bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo.

-----------------------------------------

Quảng Bình: Xe bị lật trên quốc lộ 1A

 

Nước sông Nhật Lệ dâng cao
TTO - Theo tin từ UBND huyện Quảng Trạch, có hai xe ôtô chạy từ phía Bắc vào Nam trên quốc lộ 1A, đến địa phận xã Quảng Đông thì bị lật. Một hành khách đi trên xe khách đã bị thương và được người dân địa phương đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa phía Bắc Quảng Bình.  

Xe tải đông lạnh bị lật cũng được xe cứu hộ đưa vào TP Đồng Hới sửa chữa. Nguyên nhân là do đoạn đường này quá sát biển nên có gió bão rất lớn, kèm theo mưa to đã làm hạn chế tầm nhìn của lái xe.

Lúc 20g30 ngày 3-10, bão số 5 với sức gió cấp 9, 10 đã tràn qua các huyện trong tỉnh. Tại huyện Quảng Trạch, nơi được coi là tâm điểm của bão đổ bộ vào, theo tin báo sơ bộ từ chủ tịch UBND huyện Đậu Minh Ngọc, toàn huyện đã có hàng chục căn nhà của người dân bị gió bão làm tốc mái. Nhiều trường học, trạm y tế xã cũng báo về là đã bị tốc mái nặng.

Anh Nguyễn Xuân Hai ở xã Cảnh Dương cho biết: “Mấy năm ni rồi bựa ni mới chộ có gió to như ri. May mà nhà tui đã dùng bao cát tấp lên đầy mái ngói không thì bay hết mất”. Quảng Đông là địa phương ở gần biển nhất nên tại đây cũng có số nhà bị hư hỏng nhiều nhất. Vùng cửa Gianh, anh Phạm Hải Dương, trạm phó Trạm biên phòng cửa Gianh cho biết: “Gió rất to nên các thuyền vào trú bão ở sông Gianh gần cửa sông bị sóng đánh va vào nhau. Gió to, sóng biển ào vào mạnh nên mọi người không thể ra được tàu để giằng néo”.

Tại huyện Bố Trạch, thông tin ban đầu từ UBND huyện cho biết: nhiều đoạn đê kè ở các hồ, đập thuỷ lợi nhỏ đã bị sạt lở. Các xã vùng ven biển như Hải Trạch, Nhân Trạch cũng bị sạt lở nhiều chỗ do bị sóng biển cao từ 3-4m đánh vào. Tại thôn Bắc Dinh xã Nhân Trạch, nhiều chỗ đã bị sạt lở vào cách nhà dân 3m, nay càng bị sạt lở vào gần hơn. Hầu hết dân ở thôn này đã được di dời hết vào trưa 3-10.

Ông Phạm văn Khương ở thôn Bắc Dinh xã Nhân Trạch cho hay: “Lo lắm, nên đã cố gắng chằng néo nhà lại từ chiều hôm qua rồi. Nhưng mà từ đầu hôm cho tới khuya ni nhà vẫn bị tốc mất vài chục viên ngói. Gió e lên cả cấp 10 chớ không chơi”.

Nhiều hộ dân ở thôn này chần chừ di dời từ chiều, nay quá lo nên đã phải mang theo tài sản  di dời trong đêm ra chỗ cao để tránh sóng biển. Anh Phạm Văn Nam, đứng trong căn nhà đã bị gió đánh bay mất một phần mái hiên, tỏ ra lo lắng: “Không biết di dời xong, hết bão, về có còn nhà nữa không mà ở”.

Hàng trăm cây cối to ở Quảng Trạch, Bố Trạch, TP Đồng Hới đã bị gãy đổ từ chiều và trong đêm 3-10. Mưa lớn làm ngập nhiều đoạn đường ở nội thành TP Đồng Hới. Tôi vọt xe cố tranh thủ chút thời gian buổi chạng vạng tối để tìm mấy tấm ảnh ở Đồng Hới, nhưng đường ngập đã làm xe chết máy. Cây cối gãy ngổn ngang ra đường. Đường ven biển Nhật Lệ có đoạn bị ngập sâu đến 0,5m. Bảng hiệu của các nhà hàng bị giật đổ nghiêng ngả. Điện thoại bị cắt đứt liên lạc nhiều lần. Đêm, gọi cho nhiều vùng ở Quảng Trạch, Bố Trạch toàn nghe ò í e.

Đến 16g ngày 3-10, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chuyển quân cùng với phương tiện cứu hộ vào lập bản doanh chỉ huy chống bão số 5 tại huyện Quảng Trạch. Nơi đây có hồ thuỷ lợi Vực Tròn với dung tích chứa nước gần 10 triệu m3 nên trong bão rất cần túc trực lực lượng sẵn sàng cứu dân. Người già và trẻ em đã được chuyển đến các vùng cao, cách xa hồ.

Một số huyện có nguy cơ bị nước lũ cô lập như Tuyên Hoá, Minh Hoá, Quảng Trạch đã chuẩn bị gần 300 tấn lương thực ứng cứu cho dân sau bão.

 LAM GIANG

-----------------------------------------------------

Thông tin từ Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đến 13g hôm nay (3-10), trên khu vực ven biển toàn quốc đã xảy ra 18 vụ/82 người/17 tàu cá và 2 phương tiện vận tải bị nạn do ảnh hưởng của bão số 5 và gió mùa Tây Nam.

Các vụ tai nạn trên làm mất tích 1 người (Cà Mau), bị thương 1 người (Quảng Bình), chìm 12 phương tiện, hư hỏng 6 phương tiện, tốc mái 7 ngôi nhà.

Cụ thể, vào lúc 6g55 ngày 3-10, tại xã Nam Thịnh (Thái Bình) có 2 ngư dân đi xuồng từ lều nuôi ngao vào bờ để tránh bão đã bị sóng đánh chìm. Biên phòng Thái Bình đã điều 5 cán bộ chiến sĩ đi ca nô ra vớt 2 người vào bờ an toàn.

 

Bão số 5 - diễn biến phức tạp

Theo ông Bùi Minh Tăng, giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, từ lúc 4g đến 10g sáng nay, bão số 5 di chuyển theo hướng tây tây nam  với sức gió cấp 10. Tuy nhiên, từ 10g đến 15g, bão di chuyển sang giữa hướng tây và tây tây bắc và mạnh thêm một chút với sức gió giật trên cấp 11 với tốc độ 15km/h.

Như vậy từ 7g đến 10g tối nay, bão số 5 sẽ đi vào đất liền với tâm bão ở Hà Tĩnh và bắc Quảng Bình (khu vực đèo Ngang). Vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão là từ Nghệ An đến Quảng Bình. Các tỉnh thuộc vùng ảnh hưởng của bão như Thanh Hoá và Quảng Trị có gió bão cấp 6, cấp 7.

Chiều tối và đêm mai, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Trị sẽ có mưa to đến rất to, có nơi lượng mưa đến 500- 600mm. Các sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) đề phòng lũ lịch sử…

Tuy nhiên, ông Tăng cũng cho biết bão số 5 vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Theo thông tin từ các trạm quan trắc báo về (30phút/lần) có khả năng bão số 5 vào sát bờ lại đi lệch lên khu vực tỉnh Nghệ An nên phải đề phòng mọi phương án đối phó.

T.P.

Lúc 7g45 cùng ngày, tại khu vực biển cách Hòn Khoai (Cà Mau) 26 hải lý về hướng Tây Tây Nam, tàu đánh cá của Trà Vinh mang số hiệu TV 0236 TS/6 ngư dân làm nghề giã cào do Nguyễn Đăng Sơn (ở Long Vĩnh) làm thuyền trưởng bị hỏng máy trôi dạt, đề nghị cứu nạn khẩn cấp. Biên phòng và UBND tỉnh đã huy động lực lượng dùng tàu cá  của ngư dân Sông Đốc ra cứu nạn. 

Lúc 12g, đài trực canh tìm kiếm cứu nạn của Biên phòng Quảng Bình nhận được thông tin tại khu vực neo đậu thuộc đảo Hòn La có 3 tàu hàng loại 700 tấn và 8 tàu các của ngư dân Hà Tĩnh, trong đó 2 tàu cá (HT90126 và HT 90127 gặp nguy hiểm vì gió bão mạnh, nguy hiểm đến tính mạng 12 ngư dân), thuyền trưởng đề nghị đưa vào bờ.

Tại địa bàn đồn Biên phòng 184 (Ròn- Quảng Bình) gió lớn làm tốc mái 7 nhà dân, làm bị thương một công nhân của ban quản lý cảng Hòn La.

Các đơn vị biên phòng đã ngăn chặn không cho 373 tàu cá/2.391 ngư dân Thái Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình, Bình Định, Ninh Thuận cố tình vượt trạm kiểm soát ra biển.

* Báo cáo nhanh của văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB TƯ cho biết đến 13g chiều 3-10, tỉnh Nghệ An đã di dời được 18.614 hộ/ 74.254 người khỏi các khu vực nguy hiểm. Tỉnh Hà Tĩnh di dời được 14.000 người. Tỉnh Quảng Bình sơ tán được 5.030 người, đến 15g chiều di dân hết theo kế hoạch.

Do bão di chuyển xuống phía nam nên tỉnh Quảng Trị cũng dự kiến di dời 15.129 hộ/60.935 người, vùng ven biển, dự kiến đến 16g hoàn tất; di dân ở vùng ngập sâu dự kiến đến 20g.

Tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh Sở giáo dục đào tạo đã cho học sinh nghỉ học trong ngày 3 và 4-10.

TUẤN PHÙNG

Hà Tĩnh: Hàng loạt đê bị vỡ

* Hàng trăm cụ già, trẻ em rời "ốc" đảo Hồng Lam

TTO - Sau tuyến đê chắn sóng ven biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên bị vỡ sáng nay, lần lượt các tuyến đê xung yếu thuộc xã Hộ Đỗ, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà và đoạn đê Hội Thống xã Xuân An, huyện Nghi Xuân cũng đã bị vỡ nhiều đoạn.

Nguy cơ đê vỡ hàng loạt đang uy hiếp hàng ngàn hộ dân chưa kịp di dời. Lực lượng cứu hộ các địa phương đang vận chuyển hàng ngàn bao cát để hộ đê.

Trưa nay, khi tâm bão chuyến thẳng hướng vào địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thì từ thị xã Hà Tĩnh đi về các huyện phía biển mưa như trút nước, gió cấp 8, cấp chín quật rát mặt. Xe máy không thể đi được. Trên đường chỉ xuất hiện những chiếc xe cứu hộ vượt lên dưới trời giông bão.

Sau đây là những hình ảnh chúng tôi ghi được trong cảnh di dời dân khỏi "ốc" đảo Hồng Lam.

 

Bà cháu chờ tàu rời làng Mẹ con chị Nga chuẩn bị rời ốc đảo.
 

 

Mẹ con chờ tàu rời làng. Chị Thìn-hội trưởng phụ nữ làng đang động viên mẹ liệt sĩ Hồ Thị Ba di dời.
 

 

"Ốc" đảo Hồng Lam giữ biển lũ. Giáo viên trường THCS Xuân Giang 2 và lãnh đạo huyện Nghi Xuân tiếp cận "ốc" đảo.
 

 

Ông Nguyễn Văn Ngọ thương binh 1/4, mù hai mắt được dìu lên tàu để di dời. Những bao đồ đạc cuối cùng được di chuyển.
 

 

Phải có chuyến thuyền trung chuyển mới đưa dân từ "ốc" đảo lên tàu.

Đường vào "ốc" đảo đã chìm trong lũ.
 

Trước đó, từ sáng sớm nay, 3-10, loa phóng thanh của TP.Vinh (Nghệ An) đã kêu gọi tất cả mọi nhà dân, các cơ quan chủ động giằng néo nhà cửa, trụ sở trước khi tâm bão ập đến.

Chúng tôi cũng vượt sông Cả sang làng nổi Hồng Lam thuộc xã Xuân Giang bằng thuyền 15 CV. Đêm 2-10, nước hạ nguồn sông Cả đã dâng cao, cô lập làng nổi này khiến các đò của dân không thể qua được.

Làng nổi có 230 hộ (hơn 1.000 nhân khẩu), hiện hàng chục ngôi nhà sát bờ sông đã ngập sâu hơn một mét. Tuy nhiên, dân làng này đã sống quen với cảnh bão lũ nên 11g trưa ngày 3-10, chủ tịch huyện Nghi Xuân, Nguyễn Hiền Lương phải ra công lệnh cưỡng chế, buộc tất cả người dân ở đây phải khẩn cấp di dời.

Trước mắt, huyện Nghi Xuân đã thuê hai tàu 25 CV để chuyển toàn bộ người già, trẻ em rời làng nổi. Cùng với cán bộ huyện, xã, giáo viên Trường THCS Xuân Giang cũng có mặt để đưa học sinh sang học tạm ở các trường thuộc thị trấn huyện.

 

Hai trong sáu hải đội của biên phòng Nghệ An sẵn sàng cứu hộ trong bão
 

Lúc 8giờ, triều cường đã dâng cao khoảng bốn mét, vượt qua 200 mét đê biển của xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Lúc 9 giờ, sóng biển đã phá vỡ tung mười mét đê chắn sóng. Rất nhiều khả năng tuyến đê này sẽ không trụ nổi vì trời đang mưa rất lớn, gió giật mạnh và triều cường đang tiếp tục dâng cao.

Cho đến 11 giờ ngày 3-10, Hà Tĩnh mới di dời được 1/3 số dân vùng trọng điểm bão, gồm: 3.753 hộ dân ở huyện Lộc Hà; 1.800 hộ dân huyện Nghi Xuân và 2.753 hộ dân huyện Kỳ Anh.

 

Hoãn nhiều chuyến bay do bão số 5

Do ảnh hưởng của bão số 5 trong ngày 3-10 Vietnam Airlines (VNA)  và Pacific Airlines (PA) đã  phải  hoãn, hủy nhiều chuyến bay đến các tỉnh  miền Trung. Một số chuyến bay giữa Hà Nội - Sài Gòn cũng bị hủy.

Ông Trịnh Ngọc Thành- Phát ngôn viên của VNA cho biết, các chuyến bay của hãng  này đi và đến các sân bay Huế, Đà Nẵng, Vinh đều bị hoãn hủy. Do ảnh hưởng của gió bão.

Trong ngày hôm qua PA cũng chỉ hực hiện được 3 chuyến bay vào buổi sáng gồm: hai chuyến bay Sài Gòn - Hà Nội, một chuyến Sài Gòn - Nha Trang. Ông Hà Năng Việt - Phó phòng Makerting PA cho biết hãng đã chính thức có thông báo hủy một số chuyến bay từ trưa 3-10.

Thông tin từ Trung tâm kiểm soát khai thác Nội Bài (của VNA) cho biết, trong ngày 3-10 có 3 chuyến bay Hà Nội - Đà Nẵng nhưng chỉ duy nhất một chuyến bay được cất cánh vào lúc 11g45. Trước đó, chuyến bay VN311 cất cánh lúc 6 giờ sáng vào đến Đà Nẵng lại phải quay ra vì mưa to gió lớn làm hạn chế tầm nhìn không hạ cánh được. Chuyến bay VN 317 dự định bay lúc 17 giờ phải thông báo hủy. Đường bay Hà Nội – Huế chỉ bay được 1 chuyến lúc 7 giờ sáng, hai chuyến còn lại đều bị hủy

T.PHÙNG

Tại xã ven biển Sơn Hải (Quỳnh Lưu), ông Phạm Minh Trí, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết toàn bộ 4.000 tàu thuyền của Nghệ An đã được thông báo và về cập bến tránh bão đầy đủ, đảm bảo an toàn. 300.000 dân của 26 xã ven biển cũng đã được thông báo và lên phương án di dân. Các huyện trọng điểm như Quỳnh Lưu đã thông báo để toàn bộ học sinh từ cấp mầm non đến THPT được nghỉ hai ngày 3 và 4-10 để tránh bão. Các lực lượng vũ trang, phương tiện y tế, thuốc men, lương thực thực phẩm… cũng đã được chuẩn bị.  

Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, Hồ Phúc Hợp khẳng định: “Bão có vào, lương thực thực phẩm, thuốc men đảm bảo trụ được với bão ba ngày mà không phải lo”. Đến 10 giờ sáng nay 3-10, gần như công tác di dân đã xong.

Ông Nguyễn Ngọc Niên, chủ tịch UBND xã Sơn Hải cũng cho biết toàn bộ 170 tàu thuyền của xã đã liên lạc được, neo đậu an toàn tại Cát Bà (Hải Phòng). Tính đến 11giờ trưa, 1.100 hộ (khoảng 6.500 dân) đã hoàn tất việc di dời, đến nơi tránh bão an toàn. Tại xã Quỳnh Phương, xã đông dân nhất huyện, công tác di dân cũng gần như hoàn tất, 420 tàu thuyền cũng đã về tập kết tránh bão dọc theo các bờ kênh, lạch quanh xã.

Trước đó, lúc 20 giờ ngày 2-10, trung tướng Nguyễn Đức Soát - phó ban PCLBTƯ và đại diện Bộ tư lệnh biên phòng, Bộ công an, QK4 đã tiến hành cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại TP.Vinh. Trước yêu cầu của Nghệ An, trung tướng Soát đã điều ngay trong đêm 5.000 mét vải bạt và 3.000 áo phao cho vùng tâm bão có thể đi qua.

Cũng theo trung tướng Soát, QK4 đã điều 1.000 quân từ sư đoàn 324, lữ đoàn công binh 16, trung đoàn tăng thiết giáp hành quân gấp ra giúp người dân ven biển huyện Hoằng Hoá, Quảng Xương, Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa để gặt 1.000 hecta lúa "chạy" bão trước 12 giờ trưa 3-10.

V.TOÀN - Đ.LAM - V.VIỄN - Đ.BÌNH

Quảng Bình: căng thẳng đón bão

TTO - Ngay từ sáng sớm hôm nay (3-10), Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã triển khai các mũi về huyện Quảng Trạch, Bố Trạch đốc thúc địa phương và người dân tránh bão.

Tại công trình cảng biển Hòn La, lúc 9g30 một đợt gió mạnh từ biển tràn vào đã đánh bay toàn bộ phần mái của ngôi nhà chỉ huy công trường rộng hơn 100m2 ra cách tường nhà đến 4m. Lúc đó, trong nhà chỉ còn một công nhân làm nhiệm vụ bảo vệ và đã kịp thoát ra trước khi nhiều mảng tường đổ sập xuống. Toàn bộ tài sản trong ngôi nhà gồm năm gian này đã bị hư hỏng hoàn toàn. Cùng buổi sáng, hai phòng học của trường tiểu học ở thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch) đã bị gió làm sập, cũng may là khi đó học sinh không học buổi sáng.

Lúc 9g45, chúng tôi đến công trường chắn sóng cảng biển Hòn La do Công ty xây dựng 525 thi công. Tại đây gió rất lớn, sóng biển chồm qua con đường độc đạo nối từ đất liền ra đảo Mũi Ông.

Trên công trường còn khoảng 60 công nhân làm nhiệm vụ bảo vệ công trường đang cố thủ trong những căn nhà tạm sơ sài trước từng đợt gió mạnh rít và sóng biển trắng xoá chồm vào ngay bên lưng nhà. Nếu không vào đất liền kịp thời, số công nhân này sẽ bị cắt mất đường vào, và khi có bão mạnh, có thể tất cả sẽ bị cuốn xuống biển. Vì vậy ông Lương Ngọc Bính, quyền bí thư Tỉnh ủy, đã chỉ đạo người có trách nhiệm cao nhất tại đơn vị này cho một số anh em công nhân lập tức vào đất liền trú bão. 

Hồ thủy lợi vực Tròn (Quảng Trạch) có dung tích gần 10 triệu m3 nước, nằm trên khu vực đồi núi cao, do mưa lớn từ đêm 1-10 đến hôm nay nên nước đã dâng lên cao. Đoàn kiểm tra của tỉnh lên cách hồ khoảng 3km thì không còn lên tiếp được nữa do nước mưa và lũ về đã làm ngập đường. Một đoạn ngầm trên đường lên hồ bị ngập sâu hơn 0,5m, nước chảy rất xiết.

Vào mùa mưa bão, địa bàn huyện Quảng Trạch thường có nguy cơ bị sóng biển đánh mạnh vào ở các xã Quảng Phú, Quảng Phúc và cảnh Dương. Tại các xã trên, hiện có 943 hộ với 4.715 nhân khẩu nằm trong diện sẵn sàng di dời trước bão. Trong đó có 515 hộ với 1.841 nhân khẩu buộc phải di dời khẩn cấp ngay từ chiều 3-10.

UBND huyện đã tập trung lực lượng về các vùng trên thực hiện di dời, đồng thời sẽ cưỡng chế mạnh các hộ dân còn chần chừ, hoặc không thực hiện lệnh di dời của UBND tỉnh. Lúc 11g, sóng biển ở xã Cảnh Dương đã lên cao từ 2-3m. Người dân bắt đầu di dời khỏi các căn nhà ven bờ biển. Nơi đây, mặt nước biển chỉ thấp hơn mặt đất khoảng từ 1-2m.

Sau khi nghe thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão T.Ư báo là bão số 5 đã chuyển hướng vào Quảng Bình, ông Lương Ngọc Bính, chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo lãnh đạo các địa phương ở Quảng Trạch và các xã Nhân Trạch, Lý Trạch (Bố Trạch) phải cấp tốc cho dân di dời khỏi vùng ven biển, vùng dễ bị sạt lở. Đồng thời ra lệnh cho các địa phương cho học sinh nghỉ học ngay từ chiều 3-10.

Tại xã Nhân Trạch của huyện Bố Trạch, từ trưa nay UBND xã đã tập trung cho dân di dời ra khỏi địa bàn ven biển. Ông Phạm Mạnh Hiệp, bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Đến hồi 13g30, xã đã thực hiện di dời tới các vùng cao và nơi có nhà kiên cố 106 hộ với gần 450 người dân, thuộc các thôn Bắc sông Dinh và Nam sông Dinh. Đây là vùng có nguy cơ sóng biển dâng cao và cuốn nhà cửa xuống biển ở huyện Bố Trạch. Trong đó có khoảng 15 hộ có nhà ở cách mép nước biển chỉ 2-3m, nhưng không hề có đê kè chắn sóng.

Lúc 15g, tại huyện Lệ Thủy, lượng mưa lớn đã làm ngập lụt toàn bộ các tuyến đường ven sông Kiến Giang. Huyện đã cho di dời 150 hộ với gần 500 người của ba xã vùng biển bãi ngang là Ngư Thuỷ Trung, Ngư Thuỷ Nam và Ngư Thủy Bắc vào sâu trên các vùng cát cao.

Hiện nay, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động 300 cán bộ, chiến sỹ thường trực ứng cứu trong và sau bão. Công tác di dời dân và phòng chống bão vẫn được tỉnh và các địa phương ở Quảng Bình khẩn trương thực hiện.

 

Người dân Nhân Trạch đưa thuyền vào sâu trong bờ tránh bão
 

 

Gió bão đã rất to. Sóng biển tung lên bờ.
 

 

Ngôi nhà đầu tiên ở Quảng Bình bị sập do bão số 5. Người dân di dời xa bờ biển.
 

 

Người dân ở xã Cảnh Dương cho tàu vào nơi trú ẩn. Thu dọn đồ đạc còn lại trong căn nhà bị sập ở cảng Hòn La.
 

LAM GIANG

Quảng Ninh: cấm môtô, xe đạp qua cầu Bãi Cháy

 

Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh cấm phương tiện xe máy, xe đạp qua cầu Bãi Cháy
TTO - Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, chiều 3-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có gió mạnh và mưa lớn. Tại thành phố Hạ Long mưa lớn cũng đã làm gây ngập úng nhiều tuyến đường và có hiện tượng gió giật cấp 6 và trên cấp 7.  

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua cầu Bãi Cháy, từ 8g30 sáng 3-10, Công ty Quản lý cầu phà Quảng Ninh cùng các lực lượng chức năng đã cấm người đi xe môtô, xe đạp qua cầu Bãi Cháy. Công ty cổ phần xe khách Quảng Ninh đã tăng cường nhiều chuyến xe buýt qua cầu Bãi Cháy để phục vụ bà con đi lại.

Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh Nguyễn Quang Hưng, cho biết việc cấm các phương tiện môtô và xe đạp qua cầu Bãi Cháy sẽ kéo dài đến khi nào sức gió giảm xuống mức không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ông Hưng cho biết nếu xuất hiện gió từ cấp 9 trở lên sẽ cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu.

Do cấm phương tiện môtô và xe đạp qua cầu Bãi Cháy, tại TP Hạ Long đã xuất hiện dịch vụ xe tải… vận chuyển xe máy, xe đạp qua cầu với giá 30.000 đồng/xe đạp và 50.000 đồng/xe máy.

HỮU LỰC - TRẦN QUANG

Quảng Trị: Mực nước các sông lên nhanh

 

Mưa lớn khiến một số tuyến đường ở thị xã Đông Hà bị ngập sâu trong nước.
TTO - Từ sáng sớm tại ngoài khơi đảo Cồn Cỏ đã có gió giật cấp 8 cấp 9, khiến 3 nhà dân bị tốc mái, sập cổng chào và gãy đổ nhiều cây xanh. Hội trường của làng thanh niên trên đảo cũng bị gió giật bay mái.  

Trên địa bàn Quảng Trị mưa lớn khiến mực nước các sông lên nhanh vượt báo động 2. Tại thị xã Quảng Trị, mực nước sông Thạch Hãn là 4,59m, vượt báo động 2 là 0,59m; tại các trạm Đakrông, Gia Vòng, Hiền Lương... cũng tương tự về mức báo động. Dự báo đêm nay nước sông Thạch Hãn sẽ lên cao hơn mức báo động 3.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Ban PCLB trưa 3-10, ông Lê Hữu Phúc chủ tịch tỉnh cho biết thêm từ chiều qua 2-10 khi đi thị sát ở khu vực ven biển Vĩnh Linh thấy tình hình không có gì đặc biệt nhưng sáng nay cả bãi tắm dài cực đẹp của biển Cửa Tùng đã bị sóng biển đào sâu thêm, lấn vào gần phần dốc đất đỏ.

Các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đang ráo riết di dời dân khi hay tin khả năng bão số 5 đổ bộ vào khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị là rất lớn. Đặc biệt các huyện bắc Quảng Trị như Gio Linh, Vĩnh Linh..

Đã có 7 chiếc tàu của ngư dân bị sóng đánh hư hỏng nặng.

Tình hình lũ lụt ở miền núi Quảng Trị cũng gây hậu quả khá nặng nề. Các đoạn đường Hồ Chí Minh trên tuyến bị sạt lở gây tắc đường gồm Hồng Thủy - AVao và AVao - Pailin, các ngầm trên đường như A Ngo, A Đeng, AVao bị ngập sâu không đi lại được.

Khu vực Lao Bảo cũng bị ngập sâu do nước sông Sê Pôn dâng nhanh, chính quyền đã tổ chức di dời khoảng 160 hộ đồng bào dân tộc ở các xã Tân Thành, Tân Long, xã Thuận vào thị trấn Lao Bảo ngay trong ngày hôm nay.

Tin, ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

............................................................

Phóng sự ảnh:

Thành phố Huế trong lũ

TTO - Từ tối 2-10, do ảnh hưởng bão Lekima, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to trải dài trên diện rộng làm nước sông Hương lên nhanh. Vào 6 giờ sáng nay (3-10), mực nước trên sông Hương tại TP.Huế là 3m48, trên báo động 3 là 0m41.

Nước lũ dâng cao làm tất cả các khu dân cư Thành nội thuộc các phường Tây Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa, Thuận Lộc ngập sâu. Những khu vực xung yếu như ven sông Hương thuộc các phường Kim Long, Vỹ Dạ, Phú Cát, Phú Hiệp và Phú Hậu, nhiều nơi ngập chìm đến gần 2m. Hàng trăm tuyến đường trong thành phố bị ngập lụt, có nơi ngập sâu từ 1-1,5m làm xáo trộn đời sống của người dân cố đô.

Đến thời điểm 10 giờ sáng nay, nước lũ đang có xu hướng xuống chậm nhưng vẫn giữ mức cao trên báo động 3. Phóng viên TTO tại Huế ghi lại hình ảnh toàn thành phố chìm trong nước lũ.

 

Hàng trăm hộ dân sống ven sông Hương bị chìm sâu, có nơi hơn 1,5m. Ảnh chụp tại hẻm 408 Chi Lăng, Huế.
 

 

Nhiều tuyến đường, người dân phải thuê ghe chở người và xe máy như thế này. Đường bộ trở thành đường sông
 

 

Ngã ba Chi Lăng - Nguyễn Du trở thành bến đò dọc bất đắc dĩ trung chuyển người dân từ Gia Hội về vùng thấp trũng Phú Hậu, Phú Hiệp. Hầu hết chủ nhân của những chiếc xích lô này là người dân vạn đò, trời lụt, chuyển sang dùng ghe chở người kiếm sống qua ngày. Ảnh chụp tại cầu Đông Ba lúc 9g30.
 

 

Trong lúc đó trên sông Hương nước lũ đang dâng tràn, hàng chục người dân tranh thủ vớt rều và củi gỗ trôi sông về làm chất đốt.
 

 

Rớ cá trên hào hộ thành, đoạn ngay trước cửa Thượng Tứ. Ảnh chụp lúc 10g sáng.
 

THÁI LỘC

................................................

Phú Yên: Hơn 400 tàu thuyền phải di tản vì cảng cá bị sạt lở

TTO - Đến sáng 3-10, đã có hơn 400 tàu thuyền đánh cá neo đậu tại cảng cá phường 6, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - trung tâm mua bán cá ngừ đại dương lớn nhất duyên hải miền Trung - phải di tản sang bến cá Đông Tác (TP.Tuy Hòa) để tránh trú.

Do ảnh hưởng của bão số 5, sóng lớn kết hợp triều cường đã làm nước dâng cao, tràn mặt bờ cầu cảng khiến tàu thuyền neo đậu tại cảng bị va đập dữ dội, có nguy cơ bị hư hỏng nặng.

Những ngày qua, do ảnh hưởng bão số 5, nước thượng nguồn đổ về lớn đã khoét sâu vào khu vực ven bờ của cảng cá phường 6, gây xói lở, trụt, lún nghiêm trọng. Tại nhiều khu vực trong cảng, nước sông đã khoét sâu vào bên trong làm làm rỗng toàn bộ phần nền. Trong khi đó, nước biển ngày càng lấn sâu vào, hiện chỉ còn cách xa khu dân cư 30-40m.

A.ĐÀO

......................................................

Bình Thuận: Thiệt hại gần 7 tỉ đồng

TTO - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Thuận, hiện các khu vực ven sông La Ngà thuộc hai huyện Tánh Linh, Đức Linh và một số xã vùng hạ lưu sông Phan (Hàm Thuận Nam), sông Dinh (Lagi)… vẫn còn bị đe dọa bởi lũ thượng nguồn tràn về từ ba ngày qua.

Thống kê ban đầu cho biết đã có ít nhất trên 10.200 ha lúa (chủ yếu đang trong giai đoạn đẻ nhánh), hoa màu ở ba huyện Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình bị ngập sâu trong nước, khả năng mất trắng rất lớn. Mưa lũ quá lớn đã làm sập một căn nhà ở huyện Bắc Bình, phá hỏng: bốn trạm bơm, 15 lò gạch, gần 200 giếng nước; khoảng 21km đường giao thông, trên 31.000m3 đất kênh mương, hơn 74ha ao đìa thủy sản sạt lở và làm chết 19 con bò… Sơ bộ tổng thiệt hại do đợt mưa lũ này lên đến gần 7 tỉ đồng.

* Cũng theo tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Thuận, hiện toàn tỉnh còn đến 272 tàu xa bờ với 2.245 lao động đang đánh bắt ngoài khơi, trải dài từ Nam Côn Sơn đến phía đông – nam quần đảo Trường Sa. Trong tổng số tàu thuyền nói trên, thị xã Lagi chiếm số lượng lớn: 170 chiếc (1.164 lao động), Phan Thiết: 96 chiếc (1.023 lao động), Phú Quý: 5 chiếc (46 lao động), Tuy Phong: 1 chiếc (12 lao động).

LÊ TRƯỜNG

 

Toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn

Thông tin từ Ủy ban quốc gia TKCN cho biết toàn bộ số tàu thuyền của các tỉnh trong vùng nguy hiểm đã về bờ neo đậu hoặc tìm được nơi trú, tránh. Các lực lượng chức năng cũng đã có thông tin về 7 tàu của Hà Tĩnh mất liên lạc từ ngày 1-10.  Đó là các tàu mang số hiệu HT 2217/6 ngư dân, HT 2003/6 ngư dân, HT 2195/6 ngư dân, HT 1837/5 ngư dân, HT 1091/6 ngư dân, HT 1222/5 ngư dân và HT 2215/6 ngư dân hiện đang trú, tránh tại đảo Bạch Long Vĩ và đã liên lạc được với địa phương.    

Về trường hợp 4 tàu bị nạn trong ngày hôm qua, theo lệnh của Quân chủng Hải quân, tàu HQ635 đã xuất phát lúc 18h ngày 2-10  đi cứu nạn tàu cá TH 2746 bị hỏng máy trôi dạt cách Đồ Sơn (Hải Phòng) 40 hải lý (toàn bộ 8 thuyền viên đã được tàu cá khác đưa về Cát Bà). Tuy nhiên, đến 23h20 tối qua, khi cách đông nam đảo Cát Bà 20 hải lý, tàu HQ 635 không thể tiếp tục hành trình đến vị trí tàu bị nạn do sóng to gió lớn. Tàu HQ 635 được yêu cầu quay về tránh bão…

19g37 ngày 2-10, tàu SAR 413 đã tiếp cận được tàu cá BĐ 1827 TS/ 6 ngư dân do ông Nguyễn Công Phúc (Hoài Nhơn- Bình Định) làm thuyền trưởng, bị nạn cách phía đông cửa Vĩnh An- Trà Vinh 30 hải lý. Tuy nhiên, do sóng to và dông nên tàu SAR 413 đã không buộc được dây để kéo tàu bị nạn. Sáng nay tàu SAR413 sẽ tiến hành làm dây để kéo tàu bị nạn về đất liền.

Vào lúc 18g tối 2-10, tàu SAR 411 của Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải  đã tiếp cận  và tổ chức kéo tàu cá HT 1284 TS cùng  6 ngư dân của xã Thạch Bằng (Lộc Hà- Hà Tĩnh) về cửa Sót an toàn. Trước đó tàu này đã bị chết máy trên đường vào trú bão.

Lúc 22h tối 2-10, Quân chủng Hải quân cũng đã điều động tàu Trường Sa 01 xuất phát từ đảo Song Tử Tây (Trường Sa) đi cứu nạn tàu cá QNg 98976/10 ngư dân gặp sóng lớn đánh trôi dạt cách đảo Song Tử Tây 120 hải lý về phía Tây Bắc. Tàu này đã bị sóng đánh vỡ cabin và thuyền trưởng đề nghị cứu nạn khẩn cấp  lúc 18h ngày 2-10.

Riêng trường hợp tàu Dna 90052/25 ngư dân bị gãy bánh lái từ 19g ngày 30-9 trên vùng biển Hoàng Sa đã được một tàu cá khác kéo vào nơi an toàn.

TUẤN PHÙNG

 

...............................................

Tâm bão cách Hà Tĩnh 100 km

16 giờ chiều nay (3-10) bão số 5 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); cấp 6, giật cấp 7 ở thành phố Đồng Hới; cấp 8, giật cấp 11 ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh); cấp 8, giật cấp 11 ở Hòn Ngư (Nghệ An)…

Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hà Tĩnh – Quảng Bình khoảng 50km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133km một giờ), giật trên cấp 12.

Trước đó, hồi 13 giờ ngày 3-10, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình khoảng 100km về phía Đông.

 

  

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật trên cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển hướng vào địa phận các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, khoảng tối 3-10, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Nghệ An - Quảng Bình, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13 giờ ngày 4-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Lào - Thái Lan. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300km; vùng gió mạnh từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Biển động dữ dội. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, cấp 7, riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 5 mét.

Các tỉnh Bắc bộ, Bắc và Trung trung bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, do kết hợp với ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Trong cơn dông đề phòng tố lốc mạnh.

Bão số 5 còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ

>> Tiếp tục cập nhật



Copyright (C) 2007 Tuổi Trẻ