Phóng Sự Bão Lụt 2006
Bão Chanchu


Xin giới thiệu các bài báo từ Việt Nam về Bão ChanChu

 

 

Thứ Hai, 29/05/2006 - 12:04 AM

Bão Chanchu qua cái nhìn của một nhà khoa học Mỹ gốc Việt

Dự báo của Hồng Kông với lộ trình từng ngày của bão Chanchu. (Ảnh do TS Trần Tiễn Khanh cung cấp)

Sinh tại Huế, là cựu học sinh Lycee Blaise Pascal - Đà Nẵng, ông Trần Tiễn Khanh sang Mỹ du học và năm 1974 lấy bằng thạc sĩ cơ khí, 4 năm sau tiếp tục lấy bằng tiến sĩ khí tượng và môi trường tại Đại học California, phân nhánh Los Angeles (UCLA). Là người tiên phong áp dụng mô hình dự báo thời tiết vào chiếc máy tính đầu tiên của không quân Hoa Kỳ năm 1982, hiện TS Trần Tiễn Khanh làm công tác tham vấn cho Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.

TS Trần Tiễn Khanh cũng là chuyên viên hình thành và áp dụng các mô hình cho ô nhiễm không khí, khí tượng và môi trường. Từ năm 1980, ông lập Hãng tham vấn AMI  Environmental., cố vấn cho Chính phủ Hoa Kỳ cũng như các hãng điện lực và công ty dầu lửa. 

Những ngày qua, ông thường xuyên theo dõi các cuộc tranh luận về nguyên nhân dẫn đến thảm nạn bão Chanchu và đã cung cấp cho chúng tôi những dữ liệu so sánh cần thiết cùng những nhận định chuyên môn.

* Thưa ông, bão Chanchu hình thành tại vùng biển Mindanao từ 8.5, vượt qua quần đảo Philippines ngày 14.5. Sau đó 1 ngày, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn ở VN thông báo bão Chanchu đang hướng vào đất liền. Liệu có sự khác nhau đối với các dự báo của nước ngoài được cập nhật tại vnbaolut.com do ông phụ trách?


TS Trần Tiễn Khanh

- Sau khi xem lại hai bản sơ đồ báo bão của Hải quân Mỹ và Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn VN  cùng ngày 14.5, tôi có vài nhận xét: theo dự báo của Mỹ, Chanchu đã đổi hướng lên phía Bắc, ngoài khơi Quy Nhơn, trong khi dự báo VN vẫn cho rằng bão vẫn tiến về Thanh Hóa. Có thể những người làm dự báo VN đã không tham khảo các dự báo quốc tế như của Hải quân Hoa Kỳ, của Hồng Kông, của Nhật. Các dự báo này, như của Hải quân Hoa Kỳ đều căn cứ trên các ảnh vệ tinh - cho ra các dự kiến mới nhất từ 3 ngày trở lên - mà chúng tôi đã tạo link liên kết tại vnbaolut.com với mô hình tối tân nhất là MM5/72, thường xuyên cập nhật 4 lần/ngày và người sử dụng nó hoàn toàn miễn phí.

* Thật tiếc, những dự báo như vậy trong thực tế đã không đến được ngư dân. Trong các cuộc nói chuyện với chúng tôi sau khi thoát nạn trở về, ngư dân cho biết họ theo dõi tin bão từ các trung tâm dự báo khí tượng ven bờ như Bạch Long Vĩ, các radio duyên hải miền Trung qua ICOM và từ Đài tiếng nói VN (VOV).

-  Theo như tôi biết, các ngư dân đã nghe tin tức từ VOV, cũng như họ đã được thân nhân thông báo lại các bản tin trên VOV và VTV qua sóng ICOM. Tôi không biết các dự báo của VOV, VTV do ai làm, lấy từ đâu, có tham khảo các dự báo quốc tế? Việc tham khảo này rất dễ dàng khi vào internet. Như tôi biết, có một cơ quan nghiên cứu khí tượng thủy văn ở Hà Nội, cũng biết đến website vnbaolut.com. Và chắc rằng, nếu thường xuyên vào internet, họ phải biết các dự báo của Hải quân Hoa Kỳ. Tại đó đã loan báo rõ: bão Chanchu sẽ đổi hướng từ ngày 10.5 chứ không phải đợi đến 15.5 như dự báo của VN. Tuy nhiên, trong chuyện đi tìm nguyên nhân thảm nạn, tôi nghĩ không thể hoàn toàn đổ hết trách nhiệm cho những người làm dự báo. Vấn đề giờ đây là tìm ra giải pháp. Theo tôi, đó là làm sao để ngư dân được biết các dự báo thời tiết mới nhất cũng như các tin tức mới nhất về cơn bão đang hình thành để bà con có đủ thời gian phòng tránh an toàn. Việc vnbaolut.com cập nhật ngày 4 lần với dự báo trước 72 giờ cũng nằm trong nỗ lực đó.

* Theo các nhà dự báo VN, bão Chanchu đã đột ngột chuyển hướng Bắc. Theo ông, có gì kỳ lạ trong việc chuyển hướng này?

-  Bão lên hướng Bắc, thật ra không có gì kỳ lạ hết, vì các cơn bão đầu mùa ít khi vào bờ biển VN. Tại 3 bản đồ các cơn bão ở vùng Thái Bình Dương 3 năm qua (2003-2005) mà tôi gửi kèm cho thấy điều đó. Hằng năm có khoảng 30 trận bão ở vùng tây bắc Thái Bình Dương nhưng chỉ có 3 - 4 cơn bão vào bờ biển VN. Đa số các bão ngoặt lên hướng Bắc vì ảnh hưởng khối áp cao bán vĩnh cửu ngoài khơi và lực Coriolis do quả đất xoay. Đường đi của bão chỉ thay đổi khi nó bị tác động mạnh bởi các yếu tố khác, như gió mùa Đông Bắc chẳng hạn. Trường hợp bão Chanchu cũng vậy, ngay khi mới hình thành ngày 8.5, các dự báo đều cho nó đi hướng Bắc hoặc Bắc - Tây Bắc nhưng vì ảnh hưởng đợt gió mùa Đông Bắc (khối không khí lạnh áp cao) nên nó tạm "bị ép" đi về hướng Tây - Tây Bắc trong vài hôm. Khi lực này tan, bão trở lại lộ trình ban đầu là hướng Bắc. Cho nên, bão Chanchu đổi hướng Bắc, không có gì kỳ lạ. Chuyện kỳ lạ là nếu cơn bão này thật sự đổ bộ VN vào tháng 5, vì mùa bão ở miền Trung thường chỉ diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm. "Tháng bảy, nước nhảy lên bờ", ông cha ta thường nói.

* TS có thể giới thiệu sơ nét về trang vnbaolut.com?

- Năm 1999-2000 về thăm quê, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh thương tâm do bão lụt gây ra ở miền Trung. Trở lại Mỹ, tôi lập website này để chia sẻ thông tin với đồng nghiệp và bà con trong nước. Các cơ quan khí tượng quốc tế dùng các phương tiện như satellite, computers và mô hình để làm dự báo, không những mô hình vùng Thái Bình Dương mà toàn cầu. Hằng ngày,  tôi lấy các dữ kiện này để chạy mô hình MM5 để làm dự báo chi tiết cho hơn 60 địa điểm ở VN. Các mô hình có thể dự báo trước 3 - 5 ngày trong khi VN vì thiếu phương tiện nên chỉ làm dự báo 24 giờ nên chúng gần với thông báo hơn là dự báo.

Tôi được biết, các làng đánh cá ở VN ít có máy tính nối mạng internet. Theo tôi, các ngư dân có thể nhờ thân nhân ở thành phố như Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM... mỗi khi có tin báo bão thì vào mạng vnbaolut.com theo dõi, gọi về cho gia đình họ thông báo ra ngoài biển bằng ICOM. Công việc này không khó khăn và cũng không tốn kém bao nhiêu. Rút kinh nghiệm của Chanchu, từ nay, trang web của tôi sẽ có các dự báo lộ trình bão của Hải quân Mỹ, Nhật, Hồng Kông và Philippines.

Đặng Ngọc Khoa (thực hiện)


 





 


 
Chủ Nhật, 21/05/2006 - 11:54 AM

Bão nghịch và thảm nạn...



Theo nguồn tin dựa trên các cuộc điện đàm bằng máy ICOM của ngư dân phường Xuân Hà và Thanh Khê Đông, tính trung bình mỗi tàu từ 20 đến 28 người thì riêng các tàu tại quận Thanh Khê vẫn còn trên 200 nạn nhân mất tích, chưa kể số lao động trên các tàu của một số tỉnh lân cận hiện vẫn chưa biết mất hay còn. Những ngư dân cao tuổi nói trong uất ức: "Đại tang! Trong đời bọn qua chưa bao giờ thấy thảm cảnh thế này! Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, chủ tàu mất bạn nghề, tàu bè không còn manh giáp!".

Người còn sống trĩu nặng đau buồn, người chết lại không được toàn thây. Những con tàu xa bờ bề thế, vững chãi vậy còn bị bão biển đánh đắm, vỡ toang từng mảnh, huống gì thân xác những ngư dân vốn vô cùng nhỏ bé trước những cột sóng cao ngất trời! Một chi tiết thật đau lòng, để có thể tiếp tục lênh đênh 4 ngày 4 đêm trên đường trở về quê xứ, 18 xác nạn nhân của đợt đầu được xếp cạnh nhau trên ca- bin 2 chiếc tàu Đà Nẵng. Sống cùng nhau, chết họ lại cạnh nhau! Toàn thân các anh được ướp muối do tàu câu mực khơi không dùng đá lạnh như các tàu du lịch vượt đại dương. Khuya, chúng tôi cố gắng liên lạc với thuyền trưởng Phạm Văn Xinh - người đang chở xác em ruột Phạm Văn Hoa-nhưng bất thành, còn các tàu cứu hộ khác trên vùng biển gần Đài Loan đã tắt đài liên lạc lúc 20 giờ, chợp mắt chờ sáng ra tiếp tục tìm vớt xác anh em.

Gia đình ông Cử ở Thanh Khê Đông có  2 tàu bị nạn trong cơn bão, gia đình ông Mười gần đó có đến 3 người lìa đời cùng lúc. Anh Phạm Văn Hoa là con út ông Mười, cùng bị nạn với anh là hai người cháu gọi anh bằng cậu. Từng chứng kiến nhiều thảm cảnh, song chúng tôi đã không cầm được nước mắt trước cơn vật vả của mẹ, vợ, con anh Hoa và của cháu gái anh. Bác sĩ Lê Sơn, người đầu tiên điện thoại báo tin cho chúng tôi, vốn đã quen những ca cấp cứu trong bệnh viện cũng không giữ được bình tĩnh trước cảnh em gái mình- là vợ anh Hoa - bị ngất cạnh đứa con nhỏ dại. Anh nói trong tức tưởi: "Cứ nghĩ bão sẽ đổ bộ vào miền Trung, ai ngờ nó bẻ quật 90 độ lên phía Bắc, nơi tàu em tôi đang trú! Đường đi của bão đã khác trước quá nhiều".

Thật xót xa, trong tang thương vẫn còn nhiều bà con hy vọng. Xa xa trên bãi biển, nhiều nhóm phụ nữ tập trung quanh các bàn thờ nghi ngút khói hương. Những chân nhang cắm đầy trên bãi, những hột nổ nhiều màu rắc đầy trong gió. Họ ngồi bên nhau,  mắt dõi ra khơi cầu vọng. Tuyệt nhiên, không một bóng tàu, chỉ có sự im lặng thê thiết của đất trời. Chỉ một tổ 14, khối phố Hà Đông, phường Xuân Hà, đã có 11 tàu đánh bắt xa bờ chuyên đi câu mực ở các vùng biển giáp với Philippines hoặc Đài Loan. Loại tàu này thường mang theo số thúng đúng bằng số thuyền viên. Khi đêm xuống, tàu thả một người một thúng xuống biển rồi sẽ quay trở lại vớt lên theo trình tự ngược ban đầu. Nhưng rồi, cơn bão số 1, còn có tên Chanchu- theo cách gọi của Macau- đã dìm sâu tất cả. Không ít xác tàu, xác mực, xác ngư dân miền Trung từng chịu nhiều cơ cực tơi tả trong đêm!

Trong số họ có rất nhiều bạn - những nông dân rời xa đồng ruộng đi làm thuê trên tàu. Hợp đồng lao động với họ chỉ là chữ tín, chữ ân, chữ nghĩa. Các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tai nạn... là chuyện xa lạ. Song họ rất thân quen các vùng biển như Cà Mau, Kiên Giang, Côn Đảo, Bình Thuận, Trường Sa. Trong số họ, có người từng thoát chết từ sóng to, bão lớn nhưng với cơn bão nghịch này, trong đêm tối mịt, họ đã một mình đau đớn ra đi. Sau lưng họ, giờ đây là những làng quê Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên- Huế... Khóc họ là những người vợ gầy mòn, những đứa con đã lâu rồi không được nghe giọng nói của cha. Chỉ tính riêng Quảng Nam thôi, mấy ngày nay hàng trăm gia đình ở Bình Đào, Bình Minh ngồi đứng không yên. Với họ, biển Đà Nẵng đã xa, biển Đài Loan càng quá xa xôi...

* Trong ngày 20/5, các tàu cứu hộ của ngư dân Việt Nam đã vớt thêm được 3 thi thể ngư dân, nâng tổng cộng lên 22 người đã được tìm ra. Về 2 con tàu đang đưa 18 thi thể ngư dân về Đà Nẵng, có tin qua máy ICOM cho biết, do nước ngược nên tàu chỉ đi được tối đa 4 hải lý/ giờ. Trưa qua, tàu phải dừng lại khoảng 3 tiếng đồng hồ, chờ tàu Trung quốc ra tiếp tế lương thực, nhiên liệu và thuốc xử lý mùi. Do tình hình thời tiết trên biển hiện không thuận lợi, và nếu không được cải thiện trong một hai ngày tới, dự kiến tàu phải mất đến 6 -7 ngày đêm mới có thể về đến cảng Đà Nẵng, thay vì 4 ngày đêm như dự kiến ban đầu.

* Tin từ bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết, tính đến 19/5 có 7 tàu chìm, 3 tàu mất liên lạc với tổng số lao động 221 người.  Trong đó: 71 Đà Nẵng, 146 Quảng Nam, 01 Quảng Ngãi, 01 Thừa Thiên- Huế, 01 Bình Định và 01 Bình Thuận. 7 tàu chìm có số hiệu: 90321, 90199, 90154, 90190, 90097, 90053, 90093. 3 tàu mất liên lạc có số hiệu: 6018, 90247, 6126.

Cũng nguồn tin trên, tại vùng biển tai nạn, hiện có 13 tàu của ngư dân Việt Nam tham gia cứu hộ, gồm các số hiệu: 90261, 90151, 90324, 90307, 90111, 90152, 90019, 90299, 90345, 90354, 90369, 90189, 90244.

* Theo tin các ngư dân Thanh Khê nghe được từ máy ICOM, hiện các tàu cứu hộ đã hết muối để bảo quản thi thể các ngư dân vừa vớt được trong ngày 20/5. Họ đang rất cần sự chi viện của các nhà chức trách trong đất liền.

* Tin từ bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, đến chiều 20/5 đã có tin xác định 2 tàu QNa 1699 của Tam Giang và QNa 9119 của Điện Phương bị mất tích với 39 lao động. Như vậy đến chiều 20/5 số mất tích của Đà Nẵng và Quảng Nam đã lên đến 260 người.

Bão Chanchu: đường đi rất nghịch!

Hình thành trên Thái Bình Dương từ 8/5/2006, theo dự báo ban đầu, bão Chanchu gần như tiến thẳng về phía Tây, băng qua quần đảo Philippines rồi vào biển Đông. Thế nhưng ngay từ ngày 12/5, khi tâm bão còn đang ở trên những hòn đảo của Philippines thì các trung tâm dự báo toàn cầu của Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong... đều dự báo đường đi của cơn bão này là sẽ bẻ ngoặt lên hướng Bắc để tiến vào Hồng Kông, Trung Quốc. Nhìn trên sơ đồ dự báo của Hải quân Mỹ (ảnh), sau 15/5 gần như đường đi mới của bão là một góc vuông!

Rất có thể do thiếu thông tin hoặc không tin bão sẽ quật lên hướng Bắc nên đa số tàu thuyền đang đánh bắt trên biển Đông đã không chạy vào đát liền trú ẩn mà chọn vùng đảo giáp ranh Đài Loan. Cũng có thể, sau mấy ngày nấp tránh, tưởng bão đã vào Quảng Đông, các tàu câu mực lại ra khơi và trên đường đi họ đã trực diện với đoạn lộ trình khó tin của cơn bão nghịch.

Trao đổi với chúng tôi về cơn bão này, ông Trần Tiễn Khánh - cựu học sinh Đà Nẵng thập niên 1970, hiện là Việt kiều tại Mỹ - webmaster của trang vnbaolut.com cho Thanh Niên biết, với vệ tinh toàn cầu và công nghệ tin học hiện đại, công tác dự báo bão và lộ trình những cơn bão biển đã có những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt với mô hình MM5 liên kết với các mạng dự báo của Hải quân Hoa Kỳ, Typhoon2000, Tokyo mà ông đang áp dụng. Theo đó, nó tỏ ra chi tiết và chính xác hơn các bản tin dự báo của CNN, BBC, Yahoo. Trang mạng của vnbaolut.com hằng ngày có đến 4 bản tin lúc 7 giờ sáng, 1 giờ trưa, 7 giờ chiều và 1 giờ khuya với hình chụp từ vệ tinh và sơ đồ đường đi của bão trong vòng 3 ngày. Ông nhấn mạnh: "Nếu vừa rồi, ngư dân trên biển nối được mạng Internet và tin tưởng hoàn toàn vào các dự báo về bão Chanchu thì thảm nạn đã không diễn ra hoặc đã hạn chế tối đa tổn thất". Ông tâm sự: "Trang web hoàn toàn miễn phí này ra đời sau khi tôi về Việt Nam, chứng kiến nhiều thiệt hại trong mùa bão lụt 1999-2000. Hy vọng nó sẽ được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Vào đó, không chỉ có tin dự báo bão mà còn có nhiều bản tin dự báo thời tiết, khí hậu khác tại 60 địa phương trên cả nước. Đặc biệt, vnbaolut.com khá vượt trội về dự báo lượng mưa là loại dự báo khó nhất hiện nay".

Đặng Ngọc Khoa 





Thứ Năm, 25/05/2006, 04:30 (GMT+7)

Bão Chanchu đã được dự báo như thế nào?

* Quá chậm và có sự khác biệt lớn với các đài khí tượng khu vực
* Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn VN quá chậm và có sự khác biệt đáng kể so với các đài khí tượng trong khu vực
* Không có chuyện bão Chanchu đột ngột chuyển hướng!

>> Không thể đổ lỗi cho ngư dân
>> Video cứu hộ trên biển do phóng viên Tuổi Trẻ thực hiện.
>> Phóng sự từ Đà Nẵng do VTV thực hiện.
>> Phóng sự của VTV về "Câu chuyện của những người sống sót"

Mũi tên màu đen: Dự báo đường đi bão Chanchu của TT Dự báo khí tượng VN sáng 15-5.
Mũi tên màu đỏ: Dự báo đường đi bão Chanchu của Đài khí tượng Hong Kong sáng 15-5
TT - Báo Tuổi Trẻ ngày 22-5, Nhân Dân ngày 23-5, Pháp Luật TP.HCM ngày 24-5, tiến sĩ Ngô Đức Thành (Đại học Tokyo)... đã lần lượt đặt vấn đề về việc dự báo đường đi bão Chanchu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương. Đó là câu hỏi về sự khác biệt trong dự báo của trung tâm so với các đài khu vực khác như Philippines, Hawaii, Hong Kong, hải quân Mỹ...

Khác biệt như thế nào? Tuổi Trẻ xin công bố những dữ liệu về bão Chanchu (trước khi thảm họa xảy ra) do tòa soạn lưu trữ được trong quá trình thu thập và xử lý thông tin về cơn bão này.

Chúng ta hãy nhìn vào bản đồ dự báo hướng đi bão Chanchu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn VN (bên trái) và của Đài Khí tượng Hong Kong (bên phải).

* Ngay từ tối 12-5, khi tâm bão còn ở Philippines, Đài Khí tượng Hong Kong đã dự báo đường đi của bão Chanchu: không đổ bộ vào VN.

Trong khi đó, vào sáng 14-5, mặc dù dự báo muộn hơn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (VN) lại cho rằng bão Chanchu “trong 24 giờ tới sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc”. Trung tâm cũng dự báo đường đi của bão là hướng thẳng vào VN.

3g30 ngày 14-5

20g ngày 12-5

 *  Vào lúc 20g ngày 13-5, Đài Khí tượng Hong Kong và các đài khí tượng trong khu vực đã xác định đường đi của bão Chanchu là hướng thẳng lên phía bắc, vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và Đài Loan.

Trong khi đó, bản tin vào lúc 3g30 ngày 15-5 (tức là vẫn muộn hơn rất nhiều so với các đài khác) của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn VN vẫn đưa ra một dự báo: “Tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi - Phú Yên 690km về phía đông. Dự báo trong 24 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc”.

Và theo bản đồ dự báo đường đi cơn bão Chanchu của trung tâm, bão sẽ hướng thẳng vào đảo Hải Nam.  

3g30 ngày 15-5

20g ngày 13-5

* 20g ngày 14-5, Đài Khí tượng Hong Kong và các đài khí tượng khu vực tiếp tục dự báo đường đi bão Chanchu theo lộ trình cũ (lộ trình dự báo này sau đó đã được xác định là gần đúng với đường đi thực tế của bão).

Nhưng, trong bản tin phát lúc 9g30 ngày 15-5, đã có sự “đột ngột thay đổi” trong dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn VN. Đối chiếu bản đồ dự báo đường đi của bão do trung tâm phát lúc 3g30 và 9g30, chúng ta có thể thấy rõ sự thay đổi đó là rất đáng kinh ngạc. Thật hiếm thấy dự báo lộ trình bão nào lại được “bẻ cua đột ngột” như thế.

9g30 ngày 15-5

20g ngày 14-5

Là những người theo dõi sát sao và xử lý thông tin về cơn bão Chanchu, chúng tôi có thể khẳng định là hoàn toàn không có chuyện cơn bão này “đột ngột chuyển hướng”, mà sự chuyển hướng đó đã được dự báo rõ ràng từ sớm của các đài khí tượng khu vực.

Đối với câu hỏi đáng kinh ngạc về sự khác biệt giữa dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương và các đài khí tượng khu vực khác, chúng tôi xin không đưa ra kết luận gì. Việc đó là của các nhà khoa học, của ngành khí tượng thủy văn và phòng chống lụt bão. Nhưng cái kiểu dự báo bão “chắc ăn” chỉ trong 24 giờ tới cần phải xem xét lại ngay, vì nó đã và sẽ dẫn tới những tình huống nguy hiểm chết người.

Và chúng tôi muốn nói thêm rằng: 10 năm trước, sau cái chết của hàng trăm ngư dân Hậu Lộc (Thanh Hóa), chúng ta đã học được những bài học đau đớn về dự báo thời tiết và cứu nạn trên biển. Còn bây giờ, tức 10 năm sau, chúng ta lại sẽ học được bài học gì, và quan trọng hơn, sẽ làm gì, làm gì để “thảm họa Chanchu” không quay trở lại nữa!

BÙI THANH


Copyright (C) 2004 Tuoi Tre Online


 

 

Thứ Năm, 25/05/2006 - 12:41 AM

Gửi bà Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương

 

 

Điều gì tôi được biết, sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của bà Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn (Báo Tiền Phong, ngày 23/5/2006)? Đó là:

1- Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư đã làm đúng quy chế báo bão lũ và khi báo cáo tiến trình báo bão lũ thì chưa có ý kiến gì phê phán công việc của Trung tâm cả.
Lãnh đạo Chính phủ không phải là các nhà khí tượng. Tôi tin lãnh đạo Chính phủ ra quy chế trên cơ sở dự thảo của cấp ngành chủ quản, có thẩm định của các đơn vị khác. Không ai biết rõ hơn ngành chủ quản quy chế ấy có đủ hay chưa đủ đối với thực tế cuộc sống.

Có hiện thực là ngư dân Việt Nam (vào lúc này còn chưa rõ bao nhiêu) đã không thoát chết, kể cả khi họ qua sóng VOV vẫn nghe các bản báo bão ấy.

2- Trung tâm biết là quy luật phổ biến của các cơn bão sớm là không đổ bộ vào Việt Nam mà thường đổi hướng quặt lên phía Bắc, nhưng Trung tâm không thể và không dám chắc điều này, vì lẽ cũng có trường hợp hiếm gặp là bão không ngoặt lên phía Bắc (bà dẫn ra ví dụ là cơn bão năm 1989).

Và có hiện thực là ngư dân VN không thoát chết khi cơn bão số 1 đã làm đúng cái "thông lệ" của các cơn bão sớm, vì họ chạy về chỗ mà theo thông lệ bão sẽ ngoặt lên.

3- Các Trung tâm dự báo của quốc tế đều giống nhau là họ dự báo rất sớm khả năng bão Chanchu sẽ đổi hướng lên phía Bắc cao hơn là giữ hướng đổ vào Việt Nam, Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư biết các dự báo trên, nhưng không dám báo về khả năng này, vì như bà nói, các trung tâm quốc tế kia cũng không khẳng định chắc chắn bão sẽ chuyển hướng, mà Trung tâm Việt Nam thì muốn dự báo "có xác suất lớn nhất".

Điều này khá mỉa mai, thưa bà Phó giám đốc. Theo tôi, về bản chất, Trung tâm VN đã không dự báo cái gì cả, mà thực ra chỉ thông báo hướng bão đang đi, nó đi đến đâu thông báo đến đó. Tôi đã đọc thấy có trung tâm ngày 13.3 đã khẳng định xác suất bão đổ về phía Hồng Kông lớn hơn là giữ hướng vào Việt Nam. (Đây là những dòng nguyên gốc tiếng Anh mà người ta đã gửi cho tôi, trích từ đường dẫn của một trung tâm dự báo châu Á: About the track, the most probable track at this moment is that the typhoon later make a northward turn to move toward Hong Kong, than that the typhoon will keep its current track toward Vietnam-link: http://agora.ex.nii.ac.jp).

Đấy là dự báo. Còn Trung tâm khí tượng VN có hết các thông tin tham khảo này nhưng đợi đến ngày 15.5, khi bão rõ ràng chuyển hướng rồi mới báo, thì đó không là dự báo, đó là thông báo. Bão đi đến đâu,"dự báo" đến đó thì quả là cách dự báo có "xác suất lớn nhất"!

Và có hiện thực là ngư dân Việt Nam không thoát chết vì đài khí tượng nhà làm việc theo "xác suất lớn nhất".

4- Chanchu đổi hướng thước thợ ngoặt lên phía Bắc từ 1 giờ sáng đến 13 giờ cùng ngày. Trung tâm VN ra tin báo về sự đổi hướng này lúc 9 giờ 30 phút. Tức là 8,5 giờ kể từ lúc bão đã bắt đầu đổi hướng. 8,5 giờ để trung tâm của bà có thể "nhận thấy bão có nhiều khả năng chuyển hướng lên phía bắc" và "dự báo khả năng này". Lại dự báo - một từ tôi cho là dùng không đúng chút nào.

8 tiếng rưỡi, nếu thuyền ngư dân chỉ chạy được 3-4 hải lý/giờ, thì có thể vượt được 25,5-34 hải lý, hay 41-54 km. Cũng có thể chạy được nhanh hơn. Như vậy là gần thoát khỏi khu vực bán kính 400 km gió cấp 6-8 như bà nói. Đó là lúc mỗi km xa khỏi tâm bão đồng nghĩa xa khỏi cái chết.

Nhưng hiện thực là nhiều ngư dân đã không thoát chết, vì chỉ sau 9h30 ngày 15/5 họ mới có thể nhận được dự báo, không còn nghi ngờ gì cả, hết sức chắc chắn này của Trung tâm.

5- Có thể đưa ra dự báo về các khả năng khác nhau đường đi của bão (ví dụ như có thể cảnh báo Chanchu có thể đi hướng Tây Tây Bắc - Tây Bắc nhưng cũng có khả năng ngoặt lên hướng Bắc), và bà Phó giám đốc cũng nói rằng "tôi đồng ý là có thêm thông tin ấy hẳn sẽ có ích hơn cho ngư dân”. Nhưng Trung tâm không làm thế vì sợ đưa ra hơn một khả năng thì các cơ quan có trách nhiệm "không biết xử lý thế nào". Và bà cho rằng "nói thế thì vô cùng lắm"!

Chúng ta đang nói đến chuyện dự báo hai khả năng, chứ không phải vô cùng các khả năng. Theo thiển nghĩ của tôi, nếu vấn đề đặt ra là có thể có họa từ hai phía, người ta sẽ biết cách chạy về phía thứ ba, chạy được chừng nào hay chừng đó. Và chạy được, bởi từ ngày 13 đến ngày 17 là khá xa.

Mỗi đứa bé không có "vô cùng" các người cha đi biển. Mỗi người mẹ không có "vô cùng" các người con đi biển. Và mỗi người vợ cũng không có "vô cùng" người chồng đi biển. Và hiện thực xảy ra là những người cha, người chồng, người con ấy đã không thoát chết.

Vâng, tôi đồng ý rằng: kể cả trong trường hợp cơ quan khoa học kỹ thuật,cơ quan quản lý làm hết sức mình, làm thật tốt công việc của mình, vẫn có thể họ không thoát chết. Nhưng trong trường hợp này, tôi vẫn xin được biết:

- Ai có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ  ra quy chế? Và ai có nhiệm vụ đề xuất sửa đổi quy chế, nếu rõ ràng nó lạc hậu? Bão vào đến biển Đông là bão xa, nhưng ngư dân lại đánh bắt cá ở ngoài biển Đông thì với họ bão - đồng nghĩa nguy cơ đối mặt với cái chết - là xa hay gần? Họ bắt đầu đánh bắt xa bờ từ bao giờ, từ hôm qua, từ năm ngoái hay sao? Chính phủ có cấm việc đưa ra một đề nghị sửa quy chế nhằm cho dân an toàn hơn? Sửa một quy chế mất bao nhiêu thời gian?

- Quy chế báo bão lũ có cấm việc đưa ra hơn một khả năng, nếu các thông tin của thế giới đưa ra hai khả năng khác nhau đường đi của cơn bão, và nếu quy luật bão sớm là thường đổi hướng?

- Tại sao, quy chế nào cấm chúng ta làm cái việc mà tâm trí chúng ta, kiến thức, hiểu biết của chúng ta mách bảo rằng đó là "hẳn sẽ có ích hơn cho ngư dân"?
Điều cuối tôi xin thưa với bà:

Không nói đến những người không muốn làm việc,  không làm việc. Chỉ giới hạn trong những người tận tụy thật sự, cố gắng thực sự với công việc, thì vẫn có hai cách làm việc.

Cách thứ nhất: Làm việc sao cho không ai có thể nói mình có sai sót, mình có khuyết điểm. Mục đích đó dẫn đến cách nghĩ, cách hành xử: Làm như quy chế, không mạo hiểm, lấy cái không sai, cái đúng, đủ như quy chế làm nguyên tắc hàng đầu và duy nhất.

Cách thứ hai: Làm sao để lợi nhất cho mọi người, làm sao hiệu quả cuối cùng đạt được trong chừng mực tối đa có thể. Mục đích đó dẫn đến cách hành xử: Làm theo quy chế, nhưng thấy quy chế chưa đủ thì tích cực đề xuất một quy chế khác, chưa đề xuất được hoặc chưa kịp thì tận dụng mọi khả năng trong khuôn khổ quy chế đang có để làm hết những gì mình có thể, hoặc còn trên mức có thể thông thường chút nào hay chút đó. Bởi một ly vượt lên đó có thể rất đáng giá - có khi là giá sinh mạng - đối với người khác. Rồi ngay sau đó kiên trì đề xuất, kiên trì chứng minh cần đổi quy chế.

Sợ trách nhiệm và có trách nhiệm là hai cái không giống nhau. Khác ở chỗ cái thứ hai cũng là sợ, nhưng là cái sợ ở cấp độ khác.

Là quan chức, dù nhỏ dù to, sợ trách nhiệm là điều dễ hiểu. Tôi cũng thế. Viết bài này, tôi cũng có hai cái không hẳn là sợ, nhưng ngại:

- Ngại mình không những dốt, mà chính xác là không biết gì về khí tượng, nên viết những điều ngây ngô, người biết như bà vạch ra, thì tôi xấu hổ.

- Sợ có người quy kết: Thời điểm này cần khắc phục hậu quả, sao lôi chuyện này nọ ra để phân tâm.

Nhưng cái khiến tôi vẫn viết, là cái này: Chắc chắn không ai biết cơn bão số 2 sẽ bắt đầu lúc nào. Nếu nó bắt đầu ngay giờ đây, thì Trung tâm Khí tượng vẫn có trong tay quy chế hiện hành, và cách làm hiện hành. Có nghĩa là có những người vẫn có thể không thoát chết. Nhưng nếu như họ có thể thoát chết, trong trường hợp chúng ta có cách nghĩ, cách làm khác?

Còn nếu thực sự chúng ta đã không thể có cách làm khác, thì tôi - và nhiều người không có kiến thức gì về khí tượng thủy văn -cũng mong biết. Để nhẹ lòng hơn.

24/5/2006

Trần Chí Hiển

 


 
 
Thứ sáu, 26.05.2006

Hoa nào cho người sống?

99 kia rồi! 45 đó ư?

tàu 99

Nhiều nhà báo theo dõi kỹ diễn biến việc cứu hộ nạn nhân bão Chanchu đã thốt lên như vậy khi hai chiếc tàu ĐNA 90299 và ĐNA90345 (hai chiếc tàu chở 15 thi thể được nói đến nhiều trên các phương tiện thông tin vừa qua) chở 39 ngư dân từ từ tiến vào sông Hàn rồi cập vào bến cảng lúc 18g30 ngày 24.5. Chúng tôi không nghĩ là chúng to đến vậy! Bà con ngư dân mình đã biết đóng những chiếc tàu thật to để vươn tới những vùng biển xa ngoài sự hình dung của các nhà quản lý, ngoài cả tầm kiểm soát của Cục Hàng hải, của các trung tâm dự báo khí tượng.

 

Họ đã làm sao và tồn tại như thế nào trong sức gió trên cấp 12 ấy, dưới những con sóng cao như những toà nhà hàng chục tầng ấy?Mang những câu hỏi ấy, chúng tôi nhảy lên xe cùng họ về quê trong cảm giác tự hào là đã ngồi giữa những người anh hùng theo đúng nghĩa đen của nó.

Cuộc đón tiếp... cảm động!

Cuộc đón tiếp những người trở về diễn ra thật cảm động. Có nhà báo bảo họ xứng đáng được nhận vòng hoa choàng vào cổ. Vâng, chuyện đó nếu được thì thật hay, thế nhưng những chàng trai làng biển miền Trung này chưa thấy hoa mà đã như ngượng lắm khi thấy bao nhiêu người ra đón. Trước cổng cảng Đà Nẵng, đám đông hiếu kỳ và thân nhân các ngư dân chen lấn dòm qua bức tường cao làm tắc cả một đoạn đường rộng.

họ đã được dìu lên bờ

Ban tiếp cứu TP Đà Nẵng đã tổ chức đón tiếp chu đáo. Chu đáo đến mức họ vẫn là những người khoẻ mạnh, khoẻ mạnh đến mức đủ sức để lái con tàu to đến vậy vượt qua 1.000 cây số vào bờ, nhưng vẫn được ban đón tiếp cho người dìu lên bờ. Một thuyền viên nhảy phắt lên bờ nắm dây gồng mình kéo chiếc tàu hàng ngàn tấn ép vào cầu tàu rồi buộc neo lại, thế nhưng anh ta vẫn phải nhảy xuống tàu trở lại để ban tổ chức dìu lên bờ cho nó đúng bài bản mà ban đón tiếp đã lên chương trình! Nhiều chàng trai lực lưỡng của biển cả đưa mắt tìm kiếm người thân nhưng rồi đành cảm động đặt mình vào vòng tay dìu của những người lạ!

Một túi quà có áo quần lao động, dép nhựa, mũ, sữa, nước uống, bánh ngọt và một chiếc phong bì 500.000 đồng được trao cho từng người và họ được “dìu” lên xe đưa về quê ngay trong đêm.

những chàng trai của biển cả

Và cái gì vì hình thức mà làm đã bộc lộ ngay khi xe vừa chạy ra đến cổng. Đám đông ùa vào, thùng xe bị đập rầm rầm trong tiếng gọi: “Anh ơi”, “Tân ơi, Minh ơi...” í ới. Thì ra toàn bộ thân nhân của các thuyền viên đã không được vào cảng để đón tiếp người thân. Chiếc cổng đã quá nghiêm khắc. Trời ạ, tôi đã thấy rất nhiều người trong số họ ăn nằm ở ngay trên vỉa hè lề đường trước bờ rào cảng, dưới trời nắng chang chang, cho dù Đà Nẵng đã tổ chức đón tiếp chu đáo, có chỗ cho họ ăn ngủ đàng hoàng. Lòng dạ đâu mà nằm ở nhà trọ hoặc khách sạn kia chứ! Qua máy bộ đàm ICOM, tên tuổi, quê quán, thân nhân của thuyền viên hai chiếc tàu chở 15 thi hài này, các đơn vị trách nhiệm đều biết rất rõ. Tại sao lại để ra nông nổi này?

trên chuyến xe về nhà

Chiếc xe vẫn từ từ lăn bánh qua đám đông rồi thẳng hướng về các xã vùng đông huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Người ở nhà chờ đợi mỏi mòn rồi, bây giờ người trở về chắc sẽ lại mỏi mòn chờ người ở nhà vượt qua gần 100 cây số đường đêm từ Đà Nẵng về lại nhà mình!

Sau này, lúc xe quay ra, chúng tôi được biết nhiều thân nhân ngơ ngác không biết ban đón tiếp chở chồng, con, anh, em mình đi đâu! Họ nhảy lên xe ôm, ùa lên bệnh viện vì hôm qua toàn bộ thuyền viên được tàu SAR đưa vào cũng được đưa lên bệnh viện. Thế nào rồi họ cũng sẽ về trong đêm nay, ai cũng tự an ủi vậy. Người dân quê mình ít biểu lộ cảm xúc, tình cảm, nhưng tôi biết lòng dạ họ đang rối như tơ. Bằng chứng là khi xe chạy đã quá nửa đoạn đường, khi chúng tôi đang say sưa hỏi kể về những gì xảy ra trong và sau cơn bão thì Võ Hồng Năm, quê ở Bình Minh, chợt hỏi: “Mấy ngày qua họ có chỗ nào để ở không?”.

Trước cơn bão

nhiều người đập vào thùng xe gửi

Tất cả bọn họ đều dùng ngày âm lịch, đây là thói quen của dân đi biển nước ta thì phải. Vì vậy nhiều báo đã đưa tin không giống nhau ngày xảy ra sự việc, cũng là điều bạn đọc có thể thông cảm được. Hôm đó 14 âm lịch, tức 11.5, các tàu đều ngưng đánh bắt vì trời sáng trăng. Sang đến ngày 12.5 thì đã nghe tin báo bão ở vĩ độ 12 (ngang Nha Trang), trong khi tất cả đều ở vĩ độ 19 (ngang Thanh Hoá) nên mọi người đều cảm thấy yên tâm. Tuy nhiên với kinh nghiệm người đi biển, họ vẫn cho tàu chạy vào vùng trũng giữa đảo san hô hình vành khăn có tên là Đông Sa (hiện do Đài Loan quản lý) và neo đậu chắc chắn. Tổng cộng có 40 chiếc tàu đánh cá của ngư dân từ Đà Nẵng vào đến Bình Định đậu trong vịnh. Nhiều người dùng thúng bơi qua thuyền bạn để chơi, và nhiều người vì vậy chẳng những không trở về mà còn không tìm thấy xác.

anh Đạt nói: hạt mưa to bằng ngón tay cái

Khi họ nhận được tin cơn bão không đi theo hướng “hai vào một ra” theo cách gọi của anh Nguyễn Đạt (Bình Hải), tức là hướng tây - tây bắc vào chiều ngày 14.5, mà trực chỉ hướng bắc thì gió cũng đã bắt đầu “săn” và họ chỉ còn một ngày 15 để neo cột, phá dỡ giàn phơi. Lúc này thì chạy ra cũng không được ,mà chạy vào cũng không thể. Các bản tin dự báo trong ngày 15 cho thấy cơn bão như nhắm thẳng vào họ mà tiến. Bão to quá, cấp gió lên đến trên 12 tức trên 130 cây số/giờ. Chưa ai trong họ đương đầu với cơn bão như vậy. Số phận ra sao đây?

Trong cơn bão

Nguyên trong ngày 16, gió mạnh lên dần. Cấp 10 là đã kinh hoàng rồi. Họ bị trồi lên đỉnh những con sóng rồi rơi ào xuống chân sóng với chiều cao hàng mét. Đến ngày 16.5, khoảng 3 giờ sáng thì sóng như không còn có thể to hơn được nữa, gió cũng không mạnh hơn được nữa. Đó là một không gian kỳ lạ hiếm người được thấy trong đời. Ban đêm mà chung quanh cứ hừng lên một màu đỏ. Ban ngày chỉ cách nhau 3 mét là đã không thể nhìn thấy nhau. Hạt mưa thì to bằng đầu ngón tay cái. Không khí có mùi như khi que diêm bùng cháy.

Phương pháp duy nhất để chống chọi là thả neo và máy nổ hết công suất.

Anh Nguyễn Đạt giải thích rất chậm như sau: "Gió thổi mình từ hướng nào thì sóng cũng đổ từ hướng đó. Mũi tàu phải đâm thẳng góc vào thân sóng chứ nằm ngang là lật thuyền liền. Không thả neo thì sóng sẽ đưa mình đến đâu có mà trời biết. Nhưng neo cũng sẽ không đủ sức chịu đựng sức gió và sóng đẩy thuyền đi, cho dù là nó là chiếc thừng do 3 chiếc thừng to bằng cổ tay bện lại. Vì vậy mà máy phải nổ hết công suất để lao tới ngược hướng gió. Bình thường máy chỉ chạy ở công suất 1.000 vòng/tua thì nay phải đóng hết ga, kim báo vòng tua lên đến con số 2.000 mà sợi dây neo cứ rung lên như muốn đứt. 12 giờ đêm, tàu của anh Trần Văn Thanh, chủ của 4 chiếc tàu hiện neo trong vịnh đảo Đông Sa, neo phía trước tàu 99, đứt neo trôi ào bên hông rồi biến mất trong bóng đêm. Đến nay chỉ tìm được xác 5 người trong số 32 người có trên tàu lúc ấy. Đứt neo, chết máy trong sức gió ấy nghĩa là sóng sẽ lật úp tàu bất cứ lúc nào. Lúc gần sáng, thấy có 5 người ở tàu Bình Định bơi trong sóng nước, chúng tôi lia dây thừng, chỉ hai người bám được vào dây để kéo lên, 3 người còn lại chúng tôi chỉ biết chắp tay vái sống họ chứ biết làm sao bây giờ. Gió bão vẫn dữ dội cho đến 3 giờ chiều mới giảm xuống còn khoảng cấp 8. Có nghĩa là đúng 24 giờ đằng đẵng chúng tôi rơi vào tâm bão. Đài báo tâm bão ở 16,40 vĩ độ Bắc thì chúng tôi đã ở 16,41 vĩ độ Bắc. Mà đó mới là chỗ gió mạnh nhất của cơn bão".

Vậy chứ sóng đổ thẳng lên đầu mình thì sao? Chúng tôi hỏi.

"Phần lớn nước sẽ tràn ra do khoang tàu đã được bịt kín. Nhưng thật ra, nhờ ơn trên phù hộ. Có những con sóng to đến mức tàu sẽ không thể nào chịu nổi nếu nó đổ đúng lên đầu, nhưng không hiểu sao tất cả đều lệch qua một bên. Nhờ vậy mà sống được về với vợ con bây giờ".

Khi bão tan

40 tàu neo đậu trong vịnh, sau bão chỉ còn 16 chiếc!

Sức lực còn bao nhiêu đều căng ra để tìm kiếm cứu hộ. Tàu 53 bị chìm, mũi nghếch lên trời. 6 người còn sống bu trên đó, nhưng khi tàu 99 chạy đến thì “rụng” xuống nước 4 người. Anh em nhảy xuống vớt lên nhưng nhanh gì cũng mất vài phút. Sức lực họ không còn đủ để chịu nổi vài phút chìm trong nước ấy. Ba người khác tự cột mình vô bình ga, can nhựa nên nổi được cho người vớt xác.

“Không có ai có áo phao ư ?”. Nghe tôi hỏi, tất cả nhìn nhau như một vật xa lạ. Sao kỳ vậy, có hẳn một chương trình phát áo phao cho ngư dân kia mà? Mà không có phát thì mua cũng chỉ dăm chục ngàn chứ có mắc mỏ gì đâu?

Anh Đạt kể, một xác người mặc áo phao nổi lềnh bềnh, tưởng đã chết, nhưng khi tàu đến gần thì thấy anh ta đưa tay hất mái tóc. Còn sống! Đó là một người ở Bình Định, anh chưa kịp hỏi tên vì đã chuyển anh ta cho tàu Bình Định sau đó. Anh ta kể, họ có hai anh em ruột đi một tàu với hai chiếc áo phao. Lúc tàu chìm, người em bỗng thấy một chiếc áo phao không người trôi bên cạnh nên ôm lấy cho thêm sức nổi. Sáng ra mới biết chiếc áo ấy có tên anh mình! Thì ra người anh tụt mình ra khỏi áo và chết, chiếc áo như tìm đến bàn tay người em mà tấp vào.

Ước chừng trên 30 người còn sống đã được vớt lên từ mặt biển. 21 thi thể, trong đó 18 của Đà Nẵng cũng được vớt lên và đem về cho người thân của họ. 16 thuyền được lệnh từ đất liền truyền ra là hãy ở lại để tìm kiếm. Không cần lệnh, họ đã theo dòng nước chảy về phía bắc, có nghĩa là ngày càng xa để tiếp tục tìm kiếm đồng nghiệp, đồng hương, bà con, anh em, hàng xóm của nhau.

Sau 3 ngày tìm kiếm, các thi thể đã bắt đầu bốc mùi. Ba tàu được phân công chở 18 thi thể về trước, 13 tàu ở lại tiếp tục tìm kiếm rồi về sau.

Trên đường về, tàu 99 này đã gặp tàu cứu hộ Trung Quốc, họ cho nhiều thứ như gạo, dầu, nước... nhưng tất cả đều từ chối vì tàu vẫn còn, chỉ nhận vài hộp bánh kẹo và thuốc lá.

Sau này nhiều hãng tin nói họ là người được cứu, nhưng thật ra phải nói họ mới chính là những người đi cứu người, chứ không phải là những người được cứu.

Và họ xứng đáng là những người anh hùng theo đúng nghĩa của nó. Để tồn tại và sống được với đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, họ đã xứng đáng để tôn làm anh hùng, đó là chưa nói họ đã cứu bao nhiêu người để cùng nhau trở về với gia đình, vợ con.

Khi bão tan

chi Nhung đưa trẻ đón cha về

Tách khỏi quốc lộ 1, chuyến xe đưa họ về quê lặng lẽ gập ghềnh trên con đường đang làm dở nối 3 xã vùng biển Bình Tân, Bình Minh, Bình Hải của vùng đông huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam với thế giới khác. Tôi và Thế Phong, nghệ sĩ nhiếp ảnh từ TP.HCM nghe tin bão chạy ra chụp “chơi” vậy, cứ mỗi lần xe dừng cho người xuống là lại cầm máy nhảy xuống mong sẽ chụp được cảnh vợ chồng ôm chầm nhau khóc, nhưng cuối cùng, cả 30 người đều không ai có vợ ra đón, chỉ các bà mẹ già và mấy đứa nhỏ muốn ôm chầm cha nhưng ngượng vì thấy máy ảnh. Mẹ anh Phùng nói trong nước mắt: “Con vợ mi hắn ở ngoài Đà Nẵng 3-4 bữa ni rồi!”. Anh Đạt thì tần ngần đứng nhìn căn nhà đóng cửa tối om, dù hàng xóm đã ùa ra xôn xao cả một xóm.

ba người cuối cùng xuống xe

Con vợ mi hắn ở ngoài Đà Nẵng chờ mi, chưa về!

Con đường cấp phối dài thật dài, thỉnh thoảng lại thấy những ngôi nhà sáng choang đèn đóm, người tụ tập đông đúc, bàn thờ nghi ngút khói hương. Đó là nhà của những thi thể được mang về hôm qua và đã được chôn cất, nhưng bà con hàng xóm vẫn đến thăm như người mới mất.

Đến chỗ những đống đá đổ giữa đường thì xe không thể đi được nữa. Đã gần 10 giờ đêm, còn 3 người nhà ở cách 2 cây số nữa nhưng phải xuống đi bộ về, không thể khác. Nhìn họ đi vào màn đêm, chúng tôi cứ thấy xốn xang cả người, cả nước đã nhìn vào họ, lắng nghe tiếng của họ vọng về rọt rẹt qua chiếc máy bộ đàm, lắng nghe con số người sống người chết họ báo về. Ngoài kia vẫn còn 229 người nữa có thể xem như mất xác. Anh Đạt khẳng định, không có khả năng sống, không có chỗ nào để trôi, để tấp cả. Nếu thuyền nào mất tích mà không thấy xác người nổi thì còn hy vọng là sẽ trôi đến Đài Loan, còn như thấy xác người thì tàu chìm, người không thể trôi xa mà sống được!

Đã có rất nhiều hoa dành cho người chết, thế nhưng họ thì chưa.

Hồ Trung Tú

 


Thứ Hai, 29/05/2006, 17:34 (GMT+7)

Thảm nạn sau bão số 1: Âu lo từ một ngôi trường

Em Trần Thị Mai An (ngồi giữa), nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, đồng thời là lớp trưởng 9/5 Trường THCS Phan Đình Phùng; và 3 em gái nữa thì cả ba đều đang đi học. Cha em là anh Trần Văn Quang (tổ 24 Thanh Khê Đông) đi biển đã không về nữa

TTO - Cơn bão Chanchu đã lan đến một ngôi trường ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng, đó là Trường THCS Phan Đình Phùng (PĐP) - TP Đà Nẵng, với 19 em học sinh có cha, anh ruột chết hoặc mất tích ngoài biển.

Những em học sinh làng chài này học rất khá, nhưng đang đứng trước nguy cơ thất học chỉ vì một nỗi cha đi biển không trở về. Sự nghiệt ngã đó không chỉ chặn đứng con đường đến trường của các em, mà đè lên cả tương lai của những làng chài nghèo khó.

“Thương ba, các con phải gắng học”

Ngày 13-5-200, từ ngoài khơi, anh Đào Ngọc Trúc (tổ 35, Thanh Khê Đông) còn điện về nhà báo tàu đã vào tránh bão và dành đến chục phút nói chuyện học hành với các con, hứa với bé Phương nếu thi đậu vào lớp 10 trường Thái Phiên là ba thưởng lớn! Đào Thị Ngọc Phương vừa xong lớp 9 và em trai Đào Ngọc Phước học lớp 7 cùng trường PĐP. Chị Mười, vợ anh Trúc, kể lại: “Mỗi lần về nhà anh luôn dành thời gian cho việc học của con. Cực khổ bao nhiêu ba cũng chịu, miễn các con đi học là ba vui lắm! Đời ông đời ba vì không đi học được nên phải đi biển khổ cực thế này".

Chồng đi biển, vợ ở nhà bán cá nhưng bữa được bữa mất. Năm trước, đang học lớp 9, thấy  mẹ quần quật suốt ngày, em nhỏ dại, tiền học cho cả ba chị em nặng trĩu đôi vai của ba, cô con gái đầu Ngọc Lan bỏ học đi chạy bàn quán ăn. Ngày đầu tiên bước lên bờ, anh Trúc đến thẳng quán ăn lôi con về, dắt đến nhà cô giáo chủ nhiệm để xin lỗi. Anh vừa quát nạt vừa chảy nước mắt với đứa con gái, phải gắng đi học để làm gương cho các em.

Nhìn lên tấm ván màu vàng bệch che bàn thờ anh Trúc, chị Mười lại khóc: “Các con có đi học tiếp thì dưới kia ba mới nhắm mắt được”. Nhưng khi chúng tôi hỏi, bé Ngọc Phương cho biết phải gắng đi học, nhưng mấy tháng hè này phải trở lại chạy bàn quán cơm với chị Ngọc Lan.


Trong số những học sinh có người thân chết và mất tích trong bão số 1 ở vùng biển Thanh Khê, Đà Nẵng, chỉ có một trường hợp đang học THPT, đó là Đỗ Thị Thu Tuyết học lớp 12/5 trường THPT Thái Phiên. Chiếc tàu (ĐNa 6126) mới ra biển được lần thứ hai của cha Tuyết - ông Đỗ Văn Đường (tổ 35, Thanh Khê Đông) - đã chìm cùng với tất cả ngư phủ trên tàu.

Gia đình vay ngân hàng 250 triệu đồng để đóng tàu, trước khi ra khơi lại vay thêm 100 triệu để làm chi phí và ứng lương cho 19 người đi bạn. Mất cha và nợ nần ngập đầu mẹ, không biết Thu Tuyết có thể vượt qua nổi thử thách này để đến trường thi đại học (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) được không? 

Em Nguyễn Thị Thí, lớp 9/4 PĐP hàng ngày vẫn dậy từ 5giờ sáng để khiêng bánh canh phụ mẹ đi bán rong trong xóm. Gánh bánh canh của hai mẹ con mỗi ngày chỉ lời được 10-15.000đ. Anh Nguyễn Văn Hùng (tổ 30, Thanh Khê Đông) trong chuyến đi biển hai tháng trước đó mang về cho mấy mẹ con được 2,4 triệu đồng. Giờ anh mất đi, chị chẳng còn tâm trí đâu lo cho nồi bánh canh, con gái Nguyễn Thị Thí tính nghỉ học đi bán hàng với mẹ, lo cho em trai Nguyễn Văn Vũ  học tiếp lớp 7 của trường PĐP.

Ở phường Thanh Khê Đông có nhiều con em ngư dân học rất khá, trong đó có em Trần Thị Mai An, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, đồng thời là lớp trưởng 9/5 PĐP. Mai An có 3 em gái nữa thì cả ba đều đang đi học. Mấy ngày trước cô bé vẫn tràn đầy hy vọng rằng ba (anh Trần Văn Quang, tổ 24 Thanh Khê Đông) sẽ trở về để khoe phần thưởng vừa nhận được hôm 23-5. Nhưng rồi em đã rụng rời khi nghe một người bạn chài của ba về kể lại: “Chắc ảnh không còn nữa đâu, chính mắt tui thấy ảnh rơi xuống khi sóng đánh tàu chìm”.   

Anh Lê Minh Việt, phó chủ tịch Hội nông dân phường Thanh Khê Đông cho biết hiện phường đang lo lắng tìm cách nào đó để giúp đỡ cho con em gia đình các nạn nhân tiếp tục đến trường. "Chúng tôi đã phối hợp với bộ đội biên phòng mở lớp xóa mù chữ cho các em đã bỏ học. Mọi việc đang tốt đẹp thì cơn bão tang thương ập đến, không biết số nghỉ học sẽ còn tăng lên bao nhiêu nữa đây”.

Ba tháng hè lo âu

Những ngày này, các thầy cô giáo chủ nhiệm cùng các em học sinh trường PĐP thay phiên nhau đến tận nhà các nạn nhân để động viên, an ủi những đứa trẻ trước nỗi mất mát quá lớn lao. Giáo viên chủ nhiệm lớp 9/4 đi vận động phụ huynh học sinh trong lớp được 912.000đ giúp cho gia đình em Nguyễn Thị Thí. Cô giáo chủ nhiệm lớp 8/8 của Hồ Ngọc Vũ (đã mất người cha là anh Hồ Ngọc Sơn, tổ 22  Thanh Khê Tây) khi nghe tin em chuẩn bị  vào Quảng Nam làm thuê (kéo đường dây điện) kiếm 1 triệu đồng/tháng, đã đến nhà vận động người mẹ đừng để cho con mình bỏ học.

“Ba tháng hè sắp tới là thời điểm khó khăn đối với trường chúng tôi. Nếu không giúp đỡ kịp thời thì số học sinh con nhà ngư dân trở lại trường sẽ bị sút giảm. Hiện Bộ GD - ĐT chỉ mới đặc cách tốt nghiệp cho các em học sinh THPT, nhưng vẫn không dành cho sự ưu tiên đó

Theo số liệu của Sở Giáo dục - đào tạo Đà Nẵng,  trường Phan Đình Phùng ngoài 19 học sinh có cha và anh chết và mất tích trong bão số 1, còn 10 em khác có chú, bác, cậu bỏ mạng ngoài biển. Và nhiều trường khác cũng có rất đông các em lâm vào hoàn cảnh tương tự: tiểu học Đoàn Thị Điểm 11 em, THCS Lê Thị Hồng Gấm 11 em, mầm non Tuổi Thơ 11 em, tiểu học Triệu Thị Trinh (Liên Chiểu) 11 em.

cho học sinh lớp 9 được vào thẳng lớp 10. Cha mất, anh mất thì lấy đâu tâm trí nữa mà thi cử?”- thầy Phạm Tâm, hiệu trưởng trường PĐP nói. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chủ động tổ chức giáo viên đến nhà động viên các học sinh vượt khó khăn đến trường và tổ chức phụ đạo thật chu đáo cho các em sắp vào kỳ thi THCS, cũng như các em có học lực yếu”. 

Những ngày này, các em học sinh con nhà ngư dân được thầy cô và bạn bè trong trường dành cho sự quan tâm đặc biệt. Các thầy nắm rất rõ hoàn cảnh của từng học sinh. Em Tôn Nữ Hồng Bích lớp 8/9 mất người anh ruột Tôn Thất Tư (tổ 24, Thanh Khê Tây) - là người trụ cột nuôi sống cả gia đình. Em Nguyễn Chế Tuyết Mai lớp 7/7 từ nhỏ đã sống nhờ sự nuôi nấng của những đồng tiền kiếm từ biển khơi của ông ngoại (Nguyễn Văn Độ, tổ 26 Thanh Khê Đông). Nhưng bây giờ ông của em đã bị bão cuốn mất rồi…

Thầy Tâm cho biết, học sinh con gia đình ngư dân đều có một hoàn cảnh giống nhau là nghèo khó, nhưng rất hiền lành, thường hay giúp đỡ nhau và điều đáng nói là sức học không thua kém các học sinh khác. Nếu chỉ vì mất cha, mất anh mà phải bỏ học thì thật nghiệt ngã cho các em quá!

VŨ THANH BÌNH - VIỆT HÙNG

___________________________________

"Hải - Quân - Sĩ - Đâu, coi học hành cho đàng hoàng!"





"Cuối cùng thì cũng phải lập bàn thờ. Đau quá !," ông Nguyễn Văn Nhỏ cha của anh Nguyễn Văn Hà (Xuân Hà, Thanh Khê) bị mất tích trong cơn bão Chanchu nói trong vật vã. Đã hơn 1 tuần nay, cả ông lẫn người con dâu - chị Hồ Thị Nhất - như người mất hồn. Tin tàu anh Hà bị bão đánh chìm ngoài khơi dội về khi chị Nhất đang cho thằng út ăn cơm.

"Nhà cả thảy 4 mặt con. Thằng đầu sinh ra anh quyết định đặt tên Hải, nghĩa là biển. Suốt cả đời gắn với biển thì tên Hải là ý nghĩa nhất". Chị ngồi nhớ lại mà đôi dòng lệ cứ trào ra hai khoé mắt. Thế rồi sau mỗi chuyến trở về từ biển, anh lại gửi cho chị một niềm vui. Lần lượt thằng Quân, thằng Sĩ, thằng Đâu chào đời... trong sự vắng mặt của người cha. Nhưng chị không trách, bởi đó là cái nghiệp của chồng.

Mỗi chuyến đi biển về, vừa tới đầu ngõ đã nghe tiếng anh kêu to hoan hỉ: "Hải Quân Sĩ Đâu, ra trình diện ba coi". Và rồi câu tiếp theo không gì khác ngoài việc hỏi thăm chuyện học hành con cái. Trong cả bốn đứa thì thằng Hải lại tỏ ra có năng khiếu vẽ nhất. Cả một con thuyền to bự cưỡi sóng lớn trở về, bên trên đầy ắp cá được cu Hải vẽ lên tường nhà. "Thằng Hải vẽ đó. Trước khi ba hắn ra khơi, hắn có rủ rỉ xin ba cho đi học vẽ. Ba hắn nghe con nói rứa là sướng bụng lắm".

Và mỗi chuyến ra khơi, anh lại gọi lũ trẻ: "Hải - Quân  - Sĩ  - Đâu, coi học hành cho đàng hoàng nghe chưa!". Chị Nhất lau nước mắt và nói rằng bằng mọi cách chị phải cho cả bốn đứa đến trường. Người mẹ góa bụa ấy nói vậy, nhưng tôi không hình dung nổi chị sẽ cho con đến trường bằng cách gì, khi trong nhà dường như chẳng có một đồ vật gì có giá, và sức lực của chị thì cũng đã mòn mỏi?



 


Thứ Hai, 29/05/2006, 05:43 (GMT+7)

Những ước mơ bị nhấn chìm



TT - Hàng trăm người cha, người anh đã không về nữa. Trụ cột của những gia đình ngư dân nghèo, cũng là chỗ dựa để con cái, em út được đến trường đã bị gãy.

Nỗi đau mất cha, mất anh lại chồng lên nỗi đau thất học. Đó là nỗi đau tương lai của những học trò làng chài.

 Xem video clip "Bão số 1: nỗi đau hãy cùng chia sẻ" của VTV

 Xem phóng sự về những người dân Cà Mau đã vượt qua nỗi đau của cơn bão số 5 năm 1997 như thế nào sau 9 năm.

Tan rồi những ước mơ

Hơn hai tuần qua khi nhận được tin dữ về từ chiếc tàu QNa1699 của ông Đỗ Văn Sơn (Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam) cùng 21 thuyền viên vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, cô học trò Phạm Thị Hữu bỗng hiểu rằng ước mơ trở thành sinh viên đã bị bão biển Chanchu nhấn chìm theo số phận hai người anh của mình.

Suốt buổi sáng ngồi cùng Hữu trong căn nhà nhỏ ở thôn 5 (xã Tam Quang, Núi Thành), tôi thấy em khóc và luôn đưa mắt nhìn ra phía biển. Cô học trò lớp 12 ấy đã trở nên trầm uất từ mấy ngày nay.



Em cứ ngồi im bất động rất lâu, chúng tôi cũng không dám hỏi em một điều gì. Nỗi đau của Hữu quá lớn, ngoài hai người anh ruột, còn thêm hai người anh rể và một anh nuôi cũng bỏ mình trong cùng một chuyến tàu giữa biển. Mất một lúc năm người thân, nỗi đau chồng nỗi đau... Thật lâu sau, Hữu mới bật lời: “Chừ đầu óc mô mà học cho vô, anh ơi”.

Câu chuyện về hai người anh trai của mình là Phạm Đình Minh và Phạm Đình Long luôn bị ngắt quãng giữa tiếng nấc nghẹn của Hữu. Hữu kể: “Trước khi đi biển, mấy anh em ngồi với nhau cả đêm, anh Long và anh Minh bảo Út (tên của Hữu ở nhà) gắng lo cho ba mẹ và lo ôn thi. Năm ni mà Út thi đậu đại học thì anh về sẽ thưởng và lo cho Út ăn học đến nơi đến chốn. Cả nhà mình chỉ có Út là học đến lớp 12, cố lên nghe em”.

Giờ đây ước mơ vào trường đại học TDTT của cô học trò làng chài đang trở nên xa vời vợi. Với Hữu, chuyện đi học coi như không còn nữa, nỗi lo đang đè nặng trong lòng cô gái mới lớn này chính là cả một gia đình nghèo với 11 đứa con của bốn người anh đã mất.

Các cháu đều đang tuổi ăn học, không biết rồi đây sẽ bấu víu vào đâu. “Chắc em phải tìm một nghề nào đó để làm ăn, may ra mới lo được cho cha mẹ già và mấy đứa cháu” - Hữu tâm sự.

Cơn bão Chanchu không thổi vào đất liền nhưng lại quật tan tác những làng chài nghèo của xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam). Tại xã này, chúng tôi đã gặp em Nguyễn Thị  Nhỏ, học sinh lớp 12/3 Trường THPT Nguyễn Thái Bình.

Nhỏ vừa gắng gượng dậy sau hơn 10 ngày không ăn không uống. Nhỏ kể rằng đêm nào em cũng mơ thấy hai người anh trai  Nguyễn Văn Tam và Nguyễn Văn Tứ trở về. “Mỗi khi nhắm mắt là em lại thấy hai anh về gọi “Nhỏ ơi, mở cửa cho anh”...”.

Ở vùng cát nghèo khó này, để con em  được học chữ thì người thân phải đánh đổi nhiều thứ lắm. Mỗi lần nộp học phí, cầm đồng tiền đi biển của hai anh gom góp cho, Nhỏ nghe mặn chát. Nhưng ước nguyện của hai anh là em phải học, cả nhà đều trông chờ vào Nhỏ. Vậy mà giờ đây, ước nguyện ấy đã tan tành.

Chúng tôi đã đi qua những làng chài ở Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Minh, Bình Hải (Thăng Bình) đến Tam Thanh (Tam Kỳ) và Tam Quang (Núi Thành), đâu cũng trắng một màu khăn tang và đằng sau đó là tương lai mờ mịt của hàng trăm đứa trẻ đang tuổi đến trường.

“Mẹ ơi, ba đi đâu mà không về nữa?”, câu hỏi của cậu bé lớp 4 Hồ Tấn Tín (con của anh Hồ Tấn Thư, thôn Bình Tịnh, Bình Minh, Thăng Bình) giữa trưa tháng năm khi cả nhà đang phát tang lập bàn thờ cho người cha xấu số, khiến lòng chúng tôi như xát muối. Các em còn nhỏ  quá, chưa thể hiểu hết  nỗi  đau này, nhưng rồi  các em sẽ  lớn  và lớn  như  thế  nào đây?

“Nếu thất học, đã khổ rồi còn khổ hơn”

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Tấn Anh - chủ tịch UBMTTQ VN xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam). Ông Anh nói tiếp: “Trong những ngổn ngang lo toan để khắc phục hậu quả cơn bão số 1 (với 86 ngư dân mất tích đến nay chỉ mới nhận được thi thể và mai táng 7 người), điều chúng tôi lo lắng nhất về lâu dài là tình trạng các cháu phải bỏ học với tỉ lệ cao do gia cảnh quá khó khăn. Một khi các cháu không được học hành đầy đủ thì sẽ vào đời bằng cái gì đây? Nghèo lại hoàn nghèo và vẫn là cái vòng luẩn quẩn đeo bám suốt đời”.

Theo ông Anh, thực tế lâu nay ở Bình Minh do hoàn cảnh kinh tế, đã có nhiều cháu phải bỏ học. Trong số này có các cháu học lực loại khá giỏi, thậm chí có cháu học giỏi được xét cho đi học nước ngoài nhưng do gia đình kham không nổi, dù chỉ một phần kinh phí nhỏ thôi để chi dùng cho bản thân của chính cháu, nên đành phải bỏ suất học.

Ở xã này cũng có cháu phải bỏ học để đi biển kiếm cơm giúp cha mẹ và nay đã thiệt mạng. Ông Anh nhấn mạnh: “Nay gặp cảnh cha anh chết, tôi e là sẽ có hàng loạt cháu bỏ học”.

Ông Anh còn nói rằng: “Khi nghe bạn đọc báo Tuổi Trẻ góp tiền lo cho các cháu tiếp tục đến trường, không phải chỉ gia đình các cháu, mà cả chúng tôi đều nhẹ lòng. Dân Bình Minh chúng tôi xin ghi ơn những người bạn đọc tốt bụng, rộng lòng của báo Tuổi Trẻ!”.

HOÀI NHÂN - T.NGỌC